Làm sao để kiểm soát bệnh vi bào tử trùng gây ra hội chứng tôm chậm lớn?

Trên tạp chí The Global Aquaculture Advocate phát hành tháng 3 và 4 năm 2015 có một bài viết xuất sắc của Tiến sĩ Stephen Newman về việc làm thế nào để quản lý bệnh vi bào tử trùng gây ra bởi  Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), một loại ký sinh được tìm thấy rộng rãi ở […]

Trên tạp chí The Global Aquaculture Advocate phát hành tháng 3 và 4 năm 2015 có một bài viết xuất sắc của Tiến sĩ Stephen Newman về việc làm thế nào để quản lý bệnh vi bào tử trùng gây ra bởi  Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), một loại ký sinh được tìm thấy rộng rãi ở châu Á và các khu vực khác và làm tôm nuôi chậm lớn một cách nghiêm trọng.

EHP lây nhiễm ở các tiểu quản trong gan tụy của tôm và làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn của cơ quan này. Việc loại bỏ hoàn toàn EHP dường như là không khả thi. Phương pháp tốt nhất là giảm bớt số lượng EHP đi vào ao nuôi và sau đó kiểm soát lượng EHP đã có trong ao nuôi. EHP chỉ gây hạn chế sự tăng trưởng, không gây tử vong trên tôm nuôi.

EHP hiện diện ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam và có khả năng hiện diện ở Ấn Độ và có thể là Mexico. Nó có khả năng được tìm thấy ở bất cứ đầu đã nhập khẩu các thức ăn tươi sống từ Trung Quốc và động vật từ vùng có hiện diện của EHP. EHP rất khó bị loại bỏ. Nhiều khả năng, chúng ta chỉ có thể kiểm soát mức độ hiện diện của nó. Các nguồn mang và phát tán EHP chưa được xác định rõ ràng.

Chuẩn đoán

Tác nhân gây bệnh có thể được phát hiện bằng cách sử dụng các công cụ phát hiện gene như PCR hay LAMP để kiểm tra các mẫu phân từ tôm bố mẹ. Phương pháp này cũng có thể sử dụng với tôm post. Kính hiển vi quang học cũng có thể được sử dụng trong việc chuẩn đoán EHP mặc dù rất khó để có được những hình ảnh của các bào tử rất nhỏ của EHP. Rõ ràng là việc sàng lọc tôm bố mẹ yêu cầu việc kiểm tra từng các thể là một quá trình tốn kém. Có thể nói thêm rằng, trong một số vùng, có thể không có động vật hoàn toàn không mang các tác nhân gây bệnh.

Điều trị          

Các bệnh gây ra bởi vi bào tử trùng khác có thể trị bằng những loại thuốc đặc hiệu, nhưng những loại thuốc này có vẻ không hiệu quả trong việc chống lại EHP bởi tác dụng của chúng là nhắm đến các mô riêng biệt. Vì vậy, để đối phó với EHP cần đòi hỏi một chiến lược tập trung làm tốt cùng lúc 3 vấn đề: an toàn sinh học trại giống, chuẩn bị ao và quản lý ao.

1. An toàn sinh học trại giống

Không thức ăn tươi sống: tôm bố mẹ được nuôi trong ao hoặc được cho ăn các thức ăn tươi sống đã bị nhiễm EHP có thể bị nhiễm và phát tán EHP qua phân. Việc sử dụng các động vật tươi sống bao gồm giun nhiều tơ, nghêu, mực và các sản phẩm artemia sản xuất tại địa phương trong các cơ sở nuôi vỗ tôm bố mẹ gây ra các mối đe dọa lớn về an toàn sinh học và cần được khuyến khích loại bỏ. Tuy nhiên con krill (một loại giáp xác nhỏ) không gây ra các nguy cơ về an toàn sinh học trong trại giống. Nếu thức ăn tươi sống được sử dụng, chúng nhất thiết phải được đông lạnh, tiệt trùng và thậm chí phải qua xử lý chiếu xạ.

Các thiết bị dùng trong các cơ sở nuôi vỗ tôm bố mẹ và các trại giống nên được sấy khô hoàn toàn, rửa sạch và khử trùng bằng dung dịch NaOH. Tất cả các thiết bị, đường ống và bể chứa cần được ngâm trong dung dịch NaOH 2,5% trong ít nhất 3 giờ. Sau đó, lượng kiềm còn lại được rửa sạch và tất cả các thiết bị được xử lý được để khô ráo trong một khoảng thời gian. Và trước khi sử dụng các thiết bị trên, rửa sạch qua với dung dịch chlorine bị acid hóa (acidified chlorine) nồng độ 200 ppm và có pH thấp hơn 4.5. Vì vi bào tử trùng kháng mạnh với hầu hết các phương pháp xử lý nên việc loại bỏ hoàn toàn chúng là một thách thức không nhỏ. Mục đích chủ yếu là giảm lượng vi bào tử trùng đưa vào hệ thống sản xuất.

Làm sạch trứng và nauplii: việc tẩy và rửa nauplii với sự pha trộn thích hợp giữa nước ngọt và các hóa chất như iodine và formaldehyde có thể làm suy yếu quá trình ký sinh thụ động của các bào tử trên trứng và nauplii và làm giảm sự lây nhiễm và việc tẩy rửa này phải được thực hiện thường xuyên. Đây được xem là một công cụ hiệu quả để chống lại EHP cũng như làm giảm số lượng vi khuẩn gây ra hội chứng tôm chết sớm lây truyền từ tôm bố mẹ sang tôm post.

2. Chuẩn bị ao

Lượng chất hữu cơ trong ao nuôi thường tỷ lệ thuận với số bào tử đếm được trong ao nuôi. Có thể tồn tại một số quá trình hoặc động vật trung gian nhưng chúng tôi chắc chắn rằng việc xử lý nền đáy ao trước khi nuôi là một chiến lược đúng để hạn chế EHP.

Vì bào tử thường kháng với nhiều điều kiện môi trường khác nhau, và với nhiều loài khác nhau chúng cho thấy độ đáp ứng với môi trường khác nhau nên gợi ý chung là loại bỏ lớp chất hữu cơ bằng phương pháp vật lý (hút bỏ hay xúc bỏ) và xử lý đáy ao với vật liệu có độ kiềm cao để tăng pH đất lên đến 12, khi đó nhiều bào tử sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên việc tiêu diệt hoàn toàn các bào tử là điều bất khả thi.

Các khuyến cáo còn cho rằng ao đất có thể khử trùng bằng việc sử dụng nhiều các canxi oxit hoặc vôi với liều 6 tấn / hecta hoặc hơn và đáy ao phải khô hoàn toàn. Cày vôi vào nền đáy khô đến độ sâu 10-12 cm và sau đó làm ẩm nền đáy ao để kích hoạt vôi. Nếu phương pháp trên được thực hiện đúng cách, độ pH của đất sẽ tăng lên đến 12 hoặc hơn trong vài ngày và sau đó sẽ trở lại bình thường vì vôi đã thành canxi carbonate.

3. Quản lý ao nuôi

Sau khi nền đáy được phục hồi, sử dụng các chế phẩm sinh học phù hợp cho giai đoạn đầu của vụ nuôi để ngăn chặn sự tích lũy một lượng lớn các chất hữu cơ trong ao. Phương pháp này có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với biện pháp thay nước. Mục đích là để giảm sự tích lũy chất hữu cơ và làm giảm nguy cơ chứa các bào tử trong ao nuôi vì bào tử sẽ bị hấp thụ và tiếp tục lây nhiễm trên tôm nuôi. Sử dụng các chế phẩm sinh học ở mức độ phù hợp để làm giảm lượng chất hữu cơ trong ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của cả vụ nuôi.

Lược dịch: Hoàng Lâm – tepbac.com – Nguồn: Shrimpnews.com

Bài viết liên quan:

  • Phòng bệnh vi bào tử trùng trên tômPhòng bệnh vi bào tử trùng trên tôm
  • Giáo sư Timothy Flegel trình bày chuyên đề bệnh tôm ở châu ÁGiáo sư Timothy Flegel trình bày chuyên đề bệnh tôm ở châu Á
  • Phương pháp mới kiểm soát dịch bệnh EMS/AHPND trên tôm nuôiPhương pháp mới kiểm soát dịch bệnh EMS/AHPND trên tôm nuôi
  • Bệnh EMS vẫn tiếp diễn, ngành nuôi tôm đang tăng cường chống lại dịch bệnhBệnh EMS vẫn tiếp diễn, ngành nuôi tôm đang tăng cường chống lại dịch bệnh
  • Nhóm giống gregarine kèm theo bệnh EMSNhóm giống gregarine kèm theo bệnh EMS
  • Trung tâm giống tôm bố mẹ ở Ấn Độ hỗ trợ ngành nuôi tôm trong nướcTrung tâm giống tôm bố mẹ ở Ấn Độ hỗ trợ ngành nuôi tôm trong nước
  • Mô hình mới trong nghiên cứu kiểm soát mầm bệnh ở Mozambique thu được tôm giống/postlarvae có miễn dịch đặc hiệu đối với bệnh đốm trắng (WSSV)Mô hình mới trong nghiên cứu kiểm soát mầm bệnh ở Mozambique thu được tôm giống/postlarvae có miễn dịch đặc hiệu đối với bệnh đốm trắng (WSSV)