Tôm thẻ: Cho ăn tiết kiệm mà năng suất!

Chia nhỏ số lần cho ăn ra cộng với việc điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý sẽ cải thiện chất lượng tôm thẻ nuôi thương phẩm.

Nghề nuôi tôm thâm canh hiện nay ngày càng phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Cũng chính vì vậy mà sau khi một vụ nuôi kết thúc thì chi phí thức ăn chiếm phần lớn nhất trong tổng chi phí nuôi. Cộng với việc chất lượng của môi trường sẽ được quyết định một phần nhờ vào lượng thức ăn bổ sung nhiều hay ít. Nếu quản lý tốt thức ăn thì chắc chắn sự tăng trưởng của tôm nuôi sẽ được cải thiện hơn và hạn chế được các tác động xấu đối với môi trường. Tần suất (số lần), thời gian, khẩu phần và phương pháp cho ăn sẽ tạo thành một chế độ quản lý về mặt dinh dưỡng tối ưu trong hệ thống nuôi tôm thâm canh.

Tôm nuôi thường được cho ăn chủ yếu vào ban ngày và tần suất cho ăn thường dao động từ 2 đến 4 lần ngay cả trong các cơ sở nuôi siêu thâm canh trong nhà kín. Sự cho ăn này thường sơ sài, không quá chú ý đến cách thức cũng như quá trình sinh lý của tôm khi ăn. Tôm thẻ là loài ăn liên tục 24/24, chúng thường ham thích hoạt động về đêm hơn, do vậy các enzyme tiêu hóa cũng hoạt động mạnh hơn vào lúc này. Việc cho ăn sẽ có những thất thoát nhất định vì không phải lúc nào tôm cũng tiêu thụ được tất cả thức ăn bổ sung. Nhiều nghiên cứu chứng minh khi cho tôm ăn nhiều khoảng thời gian trong ngày với số lượng giảm đi sẽ tốt hơn rất nhiều so với phương pháp cho ăn truyền thống.

Tốc độ tăng trưởng và năng suất của tôm nuôi được cải thiện đáng kể khi tần suất cho ăn hàng ngày tăng từ 3 lần lên 6 lần và hơn nữa lên đến 12 lần, đương nhiên là sẽ chia nhỏ lượng thức ăn cho từng cữ. Trong khi sử dụng máy cho ăn tự động đã mang lại những thành công nhất định, điều này không chỉ làm giảm thời gian và công cho ăn mà còn cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Ưu điểm của máy này là có thể cho ăn thường xuyên, bất kể thời điểm nào trong ngày.

Tình trạng dinh dưỡng và các phản ứng tiêu hóa của tôm tốt hơn nhiều trong các hệ thống biofloc. Các hạt floc vừa đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng vừa điều hòa hoạt động của các enzyme tiêu hóa. Và tần suất cho ăn trong mô hình nuôi biofloc này sẽ là nhân tố ảnh hưởng đến việc tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Thức ăn tự nhiên từ các hạt floc sẽ làm giảm lượng thức ăn công nghiệp. Từ đó, hạn chế được phần nào chi phí, kéo theo việc giảm bớt sự hao hụt thức ăn trong môi trường nước.

Các enzyme tiêu hóa hoạt động mạnh mẽ, nhất là lipase của tuyến tiêu hóa, protease và amylase trong dạ dày. Hoạt động của các enzyme tiêu hóa này sẽ bị kiểm soát bởi cả hệ thống tiêu hóa và nhịp độ sinh lý của tôm. Tuy nhiên, tần suất cho ăn và cách cho ăn lại không ảnh hưởng đến hoạt động của các enzyme này. Do đó, tôm có thể ăn và tiêu hóa hoàn toàn trong thời gian ngắn, không sợ bị ảnh hưởng bởi số lần cho ăn. Thức ăn tự nhiên có thể giúp tôm tiêu hóa tốt hơn khi cho ăn với tần suất cao, do rõ ràng là enzyme tiêu hóa hoạt động tốt hơn với các thức ăn này. Điều này cũng giải thích tại sao tăng tần suất cho ăn phù hợp trong hệ thống biofloc hơn.

Khả năng dự trữ protein sẽ tốt hơn khi tăng tần suất cho ăn và hệ số chuyển đổi thức ăn FCR cũng thấp hơn đáng kể so với cho ăn với tần suất như bình thường. Cộng thêm việc thúc đẩy sự hấp thu nhiều hơn lượng protein trong thức ăn. Tần suất cho ăn cũng ảnh hưởng đến toàn bộ thành phần cấu tạo cơ thể tôm. Cụ thể là hàm lượng protein thô trong cơ thịt tăng đáng kể trong khi độ ẩm bị giảm sâu. Điều này có thể là do quá trình tiêu hóa của tôm hấp thu và sử dụng được lượng protein tốt hơn, làm cho khả năng giữ lại protein trong cơ cũng lớn hơn. Từ đó cải thiện hơn về chất lượng thịt của tôm nuôi.

Ở Việt Nam, đa số người nuôi thường rất ít quan tâm đến các cách thức cho ăn trong nuôi tôm. Cứ theo truyền thống xưa nay làm theo mà không biết rằng số lần hay còn gọi là tần suất lại rất quan trọng với việc tiêu hóa và chất lượng tôm nuôi. Hy vọng trong tương lai gần sắp tới, việc thay đổi tần suất cho ăn này sẽ được áp dụng và mang lại những hiệu quả tích cực hơn cho bà con nuôi tôm.

Hà Tử

Nguồn: TepBac.com