Năm 2018, được nhận định là năm điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung, từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018 nhiệt độ trung bình trên khu vực Bắc Trung Bộ phổ […]
Năm 2018, được nhận định là năm điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung, từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018 nhiệt độ trung bình trên khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các đợt rét đậm rét hại có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung trong giai đoạn tháng 01 và tháng 2/2018. Nếu bà con quan tâm không đúng mức công tác vệ sinh môi trường ao, đầm trước khi bước vào vụ nuôi, sẽ là thiệt hại rất lớn. Qua thực tế cho thấy yếu tố môi trường ao nuôi và chất lượng con giống trong nuôi tôm là rất quan trọng. Chính vì vậy trước khi vào vụ nuôi bà con cần làm tốt một số khâu kỹ thuật như sau:
1. Chuẩn bị ao, đầm trước khi thả giống: Đây là khâu rất cần thiết vì nếu tạo được môi trường ổn định, không có mầm bệnh trong ao, mỗi khi thời tiết thay đổi mới tránh cho tôm không bị nhiễm bệnh. Tôm là loài sống bám đáy, vì vậy môi trường đáy ao có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Sau mỗi vụ nuôi tôm dưới đáy ao thường tích tụ những lớp chất thải, bùn đáy nhiễm bẩn. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn có hại phát triển, tạo ra các loại khí độc như NH3, H2S… gây hại cho tôm nuôi. Do đó bà con cần quan tâm đến công tác chuẩn bị ao nuôi và ao chứa nước tiến hành theo ba bước:
Bước 1: Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa. Loại bỏ các địch hại có trong ao (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp…). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước.
Bước 2: Đối với ao nền đất bón vôi bột nông nghiệp và phơi đáy ao từ 20 – 30 ngày. Số lượng vôi từ 3 – 3,5 tấn/ha.
Bước 3: Đối với ao đất: Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH. Riêng với ao lót bạt cần vệ sinh khử trùng, rửa sạch ao và rải vôi CaO hòa nước sệt tưới vào các kẽ bạt.
Lưu ý: Tốt nhất bón 50% vôi bột CaCO3 và 50% dolomit CaMg(CO3). Đối với ao lót bạt chủ yếu bón dolomit [CaMg(CO3)] cho đến khi đo độ kiềm đạt theo tiêu chuẩn thả.
Công tác lấy nước và xử lý nước thực hiện theo bốn bước:
Bước 1: Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để ổn định 3 – 7 ngày.
Bước 2: Chạy quạt nước liên tục trong 2 – 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.
Bước 3: Sau chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày (để trứng cá tôm nở hết) bắt đầu diệt tạp bằng Saponin 15 – 16 g/m3 (nếu độ mặn nước ao thấp < 20‰ nên ngâm trước 1 đêm và thêm muối vào để đạt độ mặn 30‰ để tăng hiệu quả diệt tạp); Sử dụng Iodine bột, 400 g/1000m3 (sử dụng Cồn 900 hòa tan Iodine), cứ 5 lít cồn hòa tan 1 kg Iodine, sau khi hòa tan hết pha loãng với nước và tạt khắp ao, xử lý lúc 5 – 6 h sáng tăng hiệu quả của Iodine do thời điểm đó oxy và pH thấp nhất. Ngày hôm sau kiểm tra độ kiềm đạt 100 -120 mg/l, nếu thấp bón Dolomite (vôi đen) cho đến đạt tiêu chuẩn.
Bước 4: Cấp nước từ ao chứa sang ao nuôi qua túi lọc, độ sâu nước từ 1,3 – 1,4 m.
Gây màu nước theo bốn cách như sau:
Cách 1: tiến hành theo công thức 2:1:2 (thành phần gồm 2 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành). Trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 – 3 ngày. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm). 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).
Cách 2: thực hiện theo công thức 3:1:3 (thành phần gồm 3 kg mật đường + 1 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 3 kg bột đậu nành). Công thức này không cần nấu chín, trộn đều sau đó ủ kín trong 12 giờ. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm), 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).
Cách 3: Dùng 5 – 6 lít mật + 15 g men bánh mỳ + 1 kg thức ăn số 0 + 2 lít nước ngọt sạch khuẩn ủ trong thời gian 24 giờ, dùng cho 1000 m3, gây màu nước liên tục trong 7 – 10 ngày đầu, thời điểm gây màu tốt nhất từ 7 – 8 giờ sáng.
Cách 4: Gây màu nước có sử dụng vi sinh: Cứ 1.000 m3 sử dụng: 2 kg cá tạp, 4 kg cám gạo, 200 g mật hay đường và 100 g men bánh mỳ (làm tăng nhanh phù du sinh vật phát triển, ổn định môi trường…).
Ngày thứ nhất Cho cá và nấu chín, cho cám và đường vào quậy đến chín, càng đặc càng tốt, sau đó để nguội và cho men bánh mỳ vào ủ sau 24h, hòa nước tạt khắp ao.
Ngày Thứ 2: Cho vi sinh xuống ao (vi sinh phải có dòng vi khuẩn Bacillus SP, tối thiểu trong sản phẩm phải có 2 con trở lên) theo liều dùng của nhà sản xuất.
Ngày thứ 4: Cho sản phẩm gây màu nước (làm như ngày thứ nhất)
Ngày thứ 6: Cho vi sinh như lần trước (làm như ngày thứ 2)
Ngày thứ 7: Cho sản phẩm gây màu nước, (làm lặp lại 2 lần cách làm của ngày thứ nhất).
Ngày thứ 8-10: Kiểm tra chất lượng nước pH, kiềm, độ trong và thả giống.
2. Chọn tôm giống thả nuôi: Lựa chọn được con giống tốt cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của cả một vụ nuôi. Chính vì vậy việc đầu tiên bà con nên chọn những cơ sở sản xuất giống có uy tín, con giống phải rõ nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt phải được kiểm dịch kỹ trước khi thả xuống đầm nuôi. Tiêu chuẩn chọn con giống trước hết dựa vào kích thước tôm phải đều. Trong nguồn tôm có nhiều con có kích thước khác nhau. Đây có thể không phải là nguồn một con tôm mẹ mà có thể có nhiều con tôm mẹ khác nhau hoặc thời gian nở cũng có thể khác nhau. Hoặc có thể kỹ thuật người nuôi không tốt. Nếu kích thước khác nhau thì rất bất lợi trong việc quản lý cho tôm ăn, nó sẽ cạnh tranh thức ăn của nhau. Tiêu chuẩn để có đàn tôm giống tốt phải có độ đồng đều, đối với tôm sú (PL 15) dài 12 mm, đối với tôm thẻ (PL 12) dài 9 mm. Những con có kích thước nhỏ hơn chiếm tỷ lệ không quá 5% trong tổng số tôm giống.
Tôm giống có màu sắc đen tro là tốt nhất. Không nên sử dụng những loại tôm có nhiều màu hoặc tôm có màu trắng bợt. Đó là loại tôm đã rất yếu, nếu chăm sóc không tốt, tỉ lệ hao hụt sẽ rất cao. Các bộ phận khác như chân, râu phải hoàn chỉnh và không dị hình. Khi bơi, chân đuôi phải xòe ra hết cỡ đó là loại tôm giống khỏe. Thịt phần bụng phải đầy đặn, căng và chắc, ngoài vỏ phải nhẵn và bóng là loại tôm khỏe.
Trên thân tôm sú có 6 đốt ở phần bụng, các đốt bụng dài. Đối với tôm thẻ các đốt bụng có hình chữ nhật, đầu và thân cân đối. Kinh nghiệm cho thấy, những con tôm sú có đốt bụng càng dài thì nhanh lớn hơn những con tôm có đốt bụng ngắn. Vị trí râu thứ nhất (sau này sẽ là đôi râu dài nhất) có hình chữ V khi bơi, hai gốc của râu nằm sát nhau. Vỏ tôm bóng, không bị dị màu sắc. Nếu bị dị hình hay dị màu sắc là do tôm bị vi nấm hoặc vi khuẩn bám vào.
Nếu bị vi nấm, cách xác định đơn giản là lấy 10 con tôm ngẫu nhiên trong đàn tôm giống đem thả vào ly thủy tinh có đựng nước sạch và trong. Quan sát kỹ thấy có trên 3 con bị vật lạ vi nấm bám vào là không nên dùng, vì sau này chúng không lột được vỏ, sẽ bị chết.
Bình thường nếu tôm khỏe, có khả năng bơi ngược dòng nước chảy hoặc nếu nước chảy xiết thì có thể bám vào các vật thể để tránh bị trôi đi. Lấy 200 con ngẫu nhiên trong đàn tôm rồi thả vào chậu đựng nước trong. Sau đó, dùng tay khuấy tròn quanh thành chậu. Nếu thấy trên 10 con trôi theo dòng nước hoặc bị cuốn ở giữa đáy chậu đó là tôm yếu.
Ngoài ra bà con có thể đánh giá sức khỏe của tôm giống bằng phương pháp gây sốc Formol nồng độ 2 – 2,5 ml/10 lít trong 30 phút. Nếu tỷ lệ tôm chết không quá 5% là đàn tôm tốt. Hoặc bằng cách hạ độ mặn đột ngột, lấy 100 – 150 con tôm P15 cho vào bình chứa 1 lít nước bể ương. Nếu nước trong bể ương tôm có độ mặn trên 20 ‰ cho thêm nước ngọt vào làm cho giảm độ mặn đột ngột xuống một nửa (tức là cho một lít nước trong bể ương tôm và 1 lít nước ngọt). Nếu độ mặn thấp hơn 15 ‰ có thể cho tôm vào thẳng trong môi trường nước ngọt. Sau 2 giờ quan sát nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là đàn tôm tốt. Đặc biệt lưu ý, tôm giống phải được kiểm tra của cơ quan chức năng về các bệnh ký sinh trùng, MBV, hội chứng taura…
3. Mùa vụ và mật độ thả: Tuân thủ theo khung lịch mùa vụ Nuôi trồng thuỷ sản năm 2018 của Sở NN và PTNT, cụ thể: Đối với tôm sú chỉ nuôi 1 vụ trong năm, thả giống từ 5/4 đến 20/5/2018; mật độ 15 – 20 con/m2 (đối với hình thức thâm canh và bán thâm) và 6 – 8 con/m2 đối với nuôi quảng canh cải tiến. Tôm thẻ châm trắng thả nuôi vụ 1 từ 15/3 đến 30/6/2018, mật độ 70 – 120 con/m2 , kích cỡ giống P12. Riêng đối với vùng nuôi Hưng hòa Thành phố Vinh thì mật độ 40 – 60 con/m2. Đối với những vùng nuôi độc lập, điều kiện cơ sở hạ tầng và môi trường nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì có thể thả nuôi vụ Thu – Đông từ 01/9 đến 30/10/2018 với mật độ 50 – 100 con/m2 ao.
4. Chăm sóc và quản lý: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm và kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm, điều chỉnh lượng thức ăn theo nhá (vó) kiểm tra hàng ngày và duy trì cách cho ăn này đến lúc thu hoạch. Công tác Quản lý môi trường ao nuôi: Sử dụng chế phẩm vi sinh suốt trong quá trình nuôi (Đầu vụ 7 ngày sử dụng 1 lần, thời gian giữa vụ cho đến thu hoạch 3 – 4 ngày sử dụng 1 lần), liều lượng và lần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bổ sung vitamin C vào thức ăn ngày 1 lần, 2 – 3 g/kg thức ăn. Thường xuyên trộn men tiêu hóa vào thức ăn, liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kiểm tra màu tảo trong ao. Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như oxy, pH, độ trong: đo 2 lần/ngày; độ kiềm, NH3, H2S: 3 ngày đo 1 lần.
Trên đây là 4 khâu quan trọng trong nuôi tôm mà bà con cần lưu ý và không nên xem nhẹ khâu nào, Chúc bà con có một vụ mùa bội thu.
Nguồn: Trần Trung Thành – nguồn TSKN – Trung tâm Khuyến nông Nghệ An