Một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Brazil đã kết luận rằng vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens rất quan trọng trong giai đoạn trưởng thành của hệ thống biofloc nuôi tôm thẻ chân trắng.
Công nghệ biofloc được coi là một hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững vì nó làm giảm nhu cầu thay nước nhờ các hoạt động của vi sinh vật. Trong các hệ thống biofloc bao gồm các vi sinh vật khác nhau như: vi khuẩn, thực vật phù du, luân trùng, động vật nguyên sinh và copepod, chúng tương tác với các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ có trong nước và tạo thành biofloc.
Vi khuẩn là vi sinh vật quan trọng nhất để duy trì chất lượng nước vì chúng loại bỏ hầu hết các hợp chất nitơ có trong nước. Các vi khuẩn phong phú nhất trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản là vi khuẩn dị dưỡng và vi khuẩn tự dưỡng. Vi khuẩn dị dưỡng loại bỏ các hợp chất nitơ hòa tan trong nước hiệu quả hơn vi khuẩn tự dưỡng.
Quá trình trưởng thành của các hệ thống biofloc có hai giai đoạn. Đầu tiên, trạng thái chưa trưởng thành được đặc trưng bởi chưa có cộng đồng vi khuẩn và sự tích tụ ammonium và nitrite. Thứ hai, khi cộng đồng vi khuẩn phát triển, hệ thống đã trưởng thành, ammonium và nitrite bị oxy hóa nhanh chóng. Ở giai đoạn sau này, nitrat tích lũy trong nước.
Công nghệ biofloc đã được phát triển tại các trang trại ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Á, nơi có truyền thống nuôi tôm. Ở châu Âu, công nghệ biofloc đã được phát triển gần đây. Vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens có trong các sản phẩm được bán trên thị trường ở EU, được sử dụng cho gà và lợn. Các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng chúng có tác dụng tích cực trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn. Tuy nhiên, với hệ thống nuôi trồng thủy sản theo công nghệ biofloc lại có điều kiện rất khác. Do đó các nhà khoa học đã nghiên cứu vai trò của vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens trong quá trình trưởng thành của hệ thống biofloc. Để đánh giá tác dụng của nó đối với hệ thống biofloc và với sức khỏe của tôm nuôi.
Hai liều men vi sinh được sử dụng trực tiếp vào nước. Thí nghiệm được thực hiện trong 9 bể như sau: 3 bể đối chứng không sử dụng men vi sinh, 3 bể sử dụng liều 103 CFU/mL và 3 bể sử dụng liều 104 CFU/mL.
“Kết quả cho thấy một tác động tích cực đối với hệ thống miễn dịch của tôm trong suốt thời gian nghiên cứu, trong đó cụ thể là có sự gia tăng các tế bào máu dạng hạt trong máu tôm”, các nhà khoa học báo cáo.
Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, trong giai đoạn chưa trưởng thành của biofloc, các tế bào máu dạng hạt cao hơn 5% trong các bể được bổ sung men vi sinh; trong khi ở giai đoạn trưởng thành của biofloc, các tế bào máu hạt cao hơn 7% trong cùng một bể. Trong quá trình trưởng thành của hệ thống biofloc, các điều kiện môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của tôm, do sự tích tụ của nitrit. Vì vậy, tác dụng kích thích miễn dịch của Bacillus amyloliquefaciens đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này (giai đoạn hệ thống biofloc chưa trưởng thành) khi tôm bị căng thẳng và dễ bị bệnh hơn.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mặc dù các đặc tính tốt của Bacillus amyloliquefaciens là vi khuẩn thúc đẩy biofloc, tuy nhiên việc sử dụng trực tiếp vào nước không có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước mà chỉ có vai trò củng cố hệ thống miễn dịch của tôm thẻ chân trắng. B. amyloliquefaciens có hiệu quả đối với hệ thống miễn dịch của tôm khi sử dụng với liều 103 CFU/mL, liều này thấp hơn so với khuyến cáo cho các chế phẩm sinh học khác, giúp giảm chi phí và duy trì lợi ích cho hệ thống.
Xem báo cáo tiếng anh tại: https://www.researchgate.net
VĂN THÁI (Lược dịch)
Nguồn: TepBac.com
AquaVive – Men vi sinh xử lý đáy