An toàn sinh học đang được áp dụng cho ngành nuôi tôm có thể được định nghĩa là thực hành loại trừ các tác nhân gây bệnh đặc hiệu khỏi các loài thủy sản nuôi tại các cơ sở sản xuất tôm bố mẹ, các trại giống và các trang trại, hoặc toàn bộ khu […]
An toàn sinh học đang được áp dụng cho ngành nuôi tôm có thể được định nghĩa là thực hành loại trừ các tác nhân gây bệnh đặc hiệu khỏi các loài thủy sản nuôi tại các cơ sở sản xuất tôm bố mẹ, các trại giống và các trang trại, hoặc toàn bộ khu vực hoặc các quốc gia vì mục đích phòng bệnh (Lightner 2003). Lightner (2003) đã thảo luận về các cách loại trừ các tác nhân gây bệnh khỏi đàn giống (tôm giống và tôm bố mẹ), đặc biệt là thông qua áp dụng kiểm dịch và sử dụng các đàn giống sạch bệnh (SPF) đã được chứng nhận, hạn chế nhập khẩu tôm sống và tôm đông lạnh.
Loại trừ vectơ (vật) mang mầm bệnh, các nguồn lây nhiễm bên ngoài và ngăn ngừa lây nhiễm chéo bên trong là các phương pháp được đề xuất để loại trừ các tác nhân gây bệnh khỏi các trại sản xuất giống và trang trại nuôi. Trong ngành nuôi gia cầm, an toàn sinh học đã được định nghĩa là một nhóm công cụ thiết yếu để ngăn chặn, kiểm soát, tiêu diệt tận gốc các bệnh truyền nhiễm quan trọng về mặt kinh tế. Trong khi an toàn sinh học ở phạm vi này có thể có nhiều khía cạnh thì trung tâm của việc áp dụng an toàn sinh học trong nuôi tôm là các khái niệm về việc kiểm soát đàn giống và loại trừ tác nhân gây bệnh. Việc này đang được thực hiện thông qua thực hành thả tôm giống sạch bệnh (SPF) liên quan đến các trang trại có nguồn nước đã qua kiểm soát.
Vấn đề thứ hai về các nguồn nước có kiểm soát đang được thực hiện thông qua việc lựa chọn địa điểm, thiết kế trang trại và quản lý nước tốt hơn bao gồm cả việc áp dụng các chiến lược như nuôi tôm nội địa, “không” thay nước và sử dụng các thiết bị xử lý nước để loại bỏ vector mang mầm bệnh tiềm tàng khỏi nguồn nước (Browdy et al. 2001). Horowitz và Horowitz (2003) đã mô tả các biện pháp phòng ngừa vật lý, hóa học và sinh học phải được thực hiện như là phương pháp thứ hai phòng chống sự bùng phát dịch bệnh tiềm tàng. Các biện pháp vật lý nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của vector (vật) mang bệnh vào trang trại bao gồm các rào cản vật lý, xử lý nước và kiểm dịch. Các biện pháp hóa học được áp dụng như là xử lý các nguyên liệu trước khi đưa vào trang trại.
Xử lý bằng Chlorine và Ozon hóa thường được áp dụng để xử lý nguồn nước đầu vào, sử dụng Iodine và Chlorine để xử lý vector mang mầm bệnh tiềm tàng khác như dụng cụ, ủng và quần áo. Các biện pháp sinh học bao gồm thả tôm giống sạch bệnh (SPF) sẵn có trên thị trường. Một phương pháp phòng ngừa thứ hai trong nuôi tôm công nghiệp là thả tôm giống kháng bệnh (SPR), nghĩa là ngoài việc sạch bệnh còn có khả năng kháng bệnh đặc hiệu. Do tôm không phát triển đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, nên sử dụng các thành phần kích thích miễn dịch như beta-glucan 1-3, lipopolysaccharides và peptidoglycans để cải thiện khả năng ngăn ngừa lây nhiễm cho tôm.
Các bệnh do virút như đốm trắng (WSSV) và hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV) xâm nhập vào Mỹ từ châu Á qua tôm sống hoặc mặt hàng tôm đông lạnh bị nhiễm bệnh (FAO 2003 ; Tang et al 2003). WSSV và IHHNV đã được phát hiện ở tôm penaeid hoang dã ở châu Mỹ (Motte et al. 2003) và châu Á (Fegan và Clifford 2001). Sự hình thành các bệnh này và các tác nhân gây bệnh khác ở các đàn tôm hoang dã tại châu Mỹ đã thay đổi cách thức nuôi tôm. Đã qua thời kỳ thu bắt tôm bố mẹ và tôm giống từ tự nhiên mà không cần quan tâm chúng có mang bệnh hay không. Cũng đã qua thời kỳ các trang trại nuôi tôm ở các vùng có vị trí địa lý cô lập nhất có thể được thiết kế và vận hành mà không có một chương trình an toàn sinh học. Trong thập kỷ sau sự xuất hiện và lây lan của bệnh đốm trắng WSSV trên toàn châu Á và vào châu Mỹ, sự xuất hiện và lây lan của bệnh Taura (TSV) khắp châu Mỹ và vào châu Á, ngành nuôi tôm đã bắt đầu tiếp nhận sự đa dạng các biện pháp và chương trình an toàn sinh học bởi đặc tính bảo vệ tốt nhất của nó để kháng lại các loại bệnh này và một số bệnh khác. Ở một số vùng nuôi, việc áp dụng các nguyên tắc an toàn sinh học đã giúp các trang trại nuôi tôm ở các khu vực đó giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và cải thiện sản xuất (Fegan và Clifford 2001).
Nếu một loại bệnh tự xuất hiện ở một ao nuôi cá biệt nào đó thì các biện pháp an toàn sinh học hiệu quả phải hoàn toàn ngăn chặn thiệt hại của vụ nuôi và sự lây lan bệnh vào ao khác. Lightner (2003) đã đưa ra một phương pháp tiếp cận để loại bỏ các tác nhân gây bệnh ở cấp độ đàn giống và việc tẩy trùng từng phần ở cấp độ trang trại. Để loại bỏ các tác nhân gây bệnh ở tôm giống và tôm bố mẹ, các bể và các ao bị nhiễm nên giảm số lượng giống toàn đàn, tẩy trùng và thả lại tôm giống sạch bệnh (SPF). Tuy nhiên cần thiết thì có thể giảm số lượng giống và bỏ hoang toàn bộ trang trại nếu việc tẩy trùng từng phần (sử dụng vôi, Chlorine, hoặc phơi khô) không thành công. Horowitz và Horowitz (2003) đã đề xuất biện pháp tạo điều kiện môi trường và sinh học tốt hơn cho đàn giống bị nhiễm bệnh để tăng khả năng chống lại bệnh. Nhóm đã thảo luận các bước sau đây:
a) Các biện pháp tác động vật lý (tăng sục khí, kiểm soát nhiệt độ, cải thiện chế độ cho ăn, loại bỏ bùn và chất hữu cơ, xử lý nước thải) để cải thiện điều kiện môi trường
b) Các biện pháp tác động hóa học bao gồm kiểm soát pH và độ mặn, giảm amonia và nitrit, sử dụng thuốc kháng sinh
c) Sử dụng các biện pháp sinh học hiệu quả, chủ yếu là việc sử dụng các chế phẩm sinh học probiotic (men vi sinh) bao gồm một hỗn hợp các loài vi khuẩn để thiết lập các cộng đồng vi sinh vật có lợi trong ao nuôi.
BioAqua dịch
Nguồn: Biosecurity and Major Diseases in Shrimp Culture, Gurel Turkmen, Erol Toksen, Faculty of Fisheries, Ege University, Izmir, Turkey
Nguồn hình ảnh: http://www.thehindubusinessline.com