Bổ sung vitamin C vào chế độ ăn cho tôm và cá nuôi

Các loài tôm he (Penaeid) nuôi thương phẩm như tôm sú (Penaeus monodon), tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), tôm thẻ xanh (L. stylirostris) và tôm he Nhật Bản (Marsupenaeus japonicus) cần chế độ ăn bổ sung vitamin C để tăng trưởng tối đa và tăng tỉ lệ sống.

Guary et al., 1976 là người đầu tiên nhận thấy vitamin C cần thiết cho sự tăng trưởng tối đa ở tôm he. Lightner et al, 1977 và Magarelli et al., 1979 đã mô tả bệnh thiếu vitamin C ở tôm he. He et al., 1993 đã có nghiên cứu về nhu cầu vitamin C của tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei).

Li et al., 1985 đã nghiên cứu các mức chế độ ăn tăng cường axit ascorbic (vitamin C) nhằm nâng cao đáp ứng miễn dịch ở cá da trơn. Hardie et al., 1991 đã nhận thấy các tác dụng của chế độ ăn bổ sung vitamin C lên đáp ứng miễn dịch của cá hồi (Salmo salar L.). Thiếu vitamin C gây dị tật xương ở cá nuôi và vitamin C cũng đóng vai trò quyết định trong việc chữa lành vết thương (Halver, 2002).

Bổ sung vào chế độ ăn chất chống oxy hóa như vitamin C giúp bảo vệ các loài động vật thủy sản khỏi stress do nhiệt độ và tình trạng thiếu oxy qua trung gian stress oxy hóa (Kolkovski et al., 2000 và Hwang and Lin, 2002).

Vitamin C giúp ngăn ngừa stress/căng thẳng do môi trường và bệnh, hỗ trợ hình thành collagen và làm lành nhanh vết thương ở cá và tôm nuôi. Vitamin C cần thiết cho quá trình trao đổi chất của tế bào và sự hình thành chitin.

Vitamin C hạn chế tác động có hại của amoniac đến tốc độ tăng trưởng của tôm/cá và làm giảm tác dụng độc của nitrit trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh.

Vitamin C kích thích miễn dịch, bù đắp suy giảm miễn dịch, hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch bao gồm bạch cầu trung tính và đại thực bào, ngăn ngừa vi khuẩn bám vào tế bào biểu mô, chống lại tổn thương oxy hóa do các gốc tự do, ngăn ngừa nhiều bệnh do vi khuẩn, virút, nấm gây ra.

Vitamin C ngăn ngừa tổn thương tế bào bằng cách gắn vào các gốc tự do và trung hòa electron chưa ghép cặp của gốc tự do, có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Thiếu vitamin C làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng, làm cho hệ số chuyển đổi thức ăn kém và tỷ lệ chết cao sau khi tôm lột xác. Thiếu vitamin C trầm trọng có thể dẫn đến hội chứng tôm chết đen.

Chế độ ăn tăng cường vitamin C hàng ngày đã được chứng minh là tăng sức đề kháng, chống sốc độ mặn và giảm stress cho tôm nuôi.

BioAqua.vn

Liều lượng và cách dùng: Hòa tan Vita C 300 hoặc Vita C 350 (vi bọc) với ít nước sạch rồi trộn đều theo tỉ lệ 1 – 2 gr/kg thức ăn, cho tôm và cá ăn liên tục từ khi mới thả đến khi thu hoạch.

Để làm giảm sự hòa tan nhanh của Vitamin C trong nước, người ta dùng ethylcellulose hoặc dầu để bao lấy các hạt Vitamin C thành thể Vitamin C vi bọc (Vitamin C coated), hàm lượng Vitamin C ở dạng này khoảng 80-90% và có thể lưu trữ trong vài tháng mà không bị oxy hóa. Sản phẩm thành công nhất của việc gia tăng độ bền của Vitamin C là nhóm Vitamin C dạng muối phosphate như ascorbate-2-mono phosphate (AMP), ascorbate-2-poly phosphate (APP), … Sự hiện diện của các nhóm này sẽ làm tăng khả năng chịu nhiệt, giảm khả năng tan trong nước và oxy hóa của Vitamin C. Quá trình chế biến thức ăn cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt tính và sự mất đi của Vitamin C. Qua quá trình gia nhiệt (ép đùn) Vitamin C tinh thể mất đi hơn 90%, vi bọc mất đi 40-50%, trong khi Vitamin C dạng muối photphat chỉ mất đi khoảng 5-10%. Vì vậy trong sản xuất thức ăn công nghiệp nên sử dụng loại Vitamin C kháng nhiệt, còn người nuôi thủy sản có thể bổ sung Vitamin C vào thức ăn loại vi bọc. Trong nuôi thủy sản, định kỳ mỗi tháng bổ sung Vitamin C khoảng 3-5 ngày liên tục. Khi thời tiết thay đổi hoặc cả khi xung quanh vùng nuôi có dịch bệnh thì cũng nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn. Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào loại Vitamin C, khoảng từ 500-1000 mg/kg thức ăn.
PGS. TS. Trần Thị Thanh Hiền, Khoa Thủy Sản, Đại Học Cần Thơ.