Trung Quốc rõ ràng là quốc gia chi phối chính khi vừa sản xuất vừa nhập khẩu, tạo lực đẩy và kéo thị trường thế giới. Trung Quốc cần nhập khẩu số lượng lớn từ Ecuador và các nước cung cấp khác để đáp ứng cho nhu cầu nội địa cực lớn của mình. Thái […]
Trung Quốc rõ ràng là quốc gia chi phối chính khi vừa sản xuất vừa nhập khẩu, tạo lực đẩy và kéo thị trường thế giới. Trung Quốc cần nhập khẩu số lượng lớn từ Ecuador và các nước cung cấp khác để đáp ứng cho nhu cầu nội địa cực lớn của mình. Thái Lan tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh EMS/AHPND nhờ việc tăng cường sử dụng các dòng di truyền cải tiến, kỹ thuật sản xuất nâng cao và mở rộng thị trường nội địa của mình. Ecuador xuất hiện đúng lúc để đạt hoặc vượt mức sản lượng ấn tượng trong năm 2015.
Nuôi trồng thủy sản nói chung – và ngành nuôi tôm chắc chắn phải đối mặt với một số thách thức bao gồm dịch bệnh, thức ăn, các trách nhiệm về môi trường và xã hội, thị trường, đầu tư, khả năng lãnh đạo, nhận thức của người tiêu dùng và giáo dục.
Tôi tin rằng dịch bệnh và thức ăn có thể là những điều quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp nuôi tôm hiện nay. Trong lịch sử tương đối ngắn khoảng 30 năm, ngành nuôi tôm đã bị ảnh hưởng thường kỳ bởi các bệnh khác nhau, nguồn gốc chủ yếu là do virút bao gồm cả Taura và đốm trắng.
Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của hai bệnh mới nghiêm trọng, EMS/AHPND (Hội chứng tôm chết sớm/Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính) gây ra bởi một loài vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus; và một căn bệnh mới khác được gọi là bệnh vi bào tử trùng (HPM) gây ra bởi một vi bào tử trùng nhỏ (1 micron), nội bào, hình thành bào tử (Enterocytozoon hepatopenaei, hoặc EHP).
Chúng ta rõ ràng đang học cách quản lý cả hai loại bệnh này, và trường hợp của Thái Lan phục hồi mạnh mẽ khỏi những tác động đáng kể của EMS/AHPND là một gương sáng. Bệnh là một phần quan trọng của ngành nuôi tôm từ những thời kỳ đầu, và chắc chắn sẽ tiếp tục tác động, nhưng chúng ta đã đạt sản lượng tôm nuôi toàn cầu cao gấp bốn lần chỉ trong khoảng 20 năm bất chấp bị nhiễm một số bệnh, và tôi tin rằng ngành công nghiệp nuôi tôm sẽ tiếp tục phải sống chung với bệnh và học hỏi để quản lý các bệnh trong khi tiếp tục mở rộng.
Một thách thức khác mà tôi nghĩ rất quan trọng là các nguyên liệu thức ăn thủy sản. Nuôi trồng thủy sản – trong đó có nuôi tôm – đã mở rộng rất nhiều trong khoảng 30 năm qua và cần phải tiếp tục phát triển để đóng góp khối lượng lớn về thủy hải sản cần thiết cho dân số ngày càng tăng. Một số loài thủy sản nuôi chính phải tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi sống con người và đang được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, có nghĩa là ngành công nghiệp thức ăn thủy sản cũng cần phải tăng trưởng đáng kể, do đó sẽ làm tăng nhu cầu nhiều nguyên liệu hơn. Mặc dù tảo nuôi có thể có một vai trò nhất định, tôi tin rằng phần lớn các nguyên liệu bổ sung sẽ đến từ các hoạt động trên đất liền khác nhau như nông nghiệp, thông qua việc tăng sản xuất các nguyên liệu chính hiện nay như đậu nành và các loại cây trồng khác, từ các phụ phẩm động vật đã chế biến, và từ các thành phần mới như đa dạng các sản phẩm vi khuẩn, bột côn trùng và những thứ khác. Sản xuất các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên đất liền ở trong các điều kiện phần lớn đã được kiểm soát là có thể mở rộng, bền vững, có trách nhiệm và có được chứng nhận.
Về triển vọng của ngành này, tôi thấy có ba câu hỏi cơ bản chúng ta nên hỏi và trả lời. Câu đầu tiên là “Chúng ta có thể ‘tạo ra’ con tôm tốt hơn không?” Quan điểm của tôi dứt khoát là được.
Các loài được nuôi nhiều nhất, tôm thẻ trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei) và cũng rất thích hợp là tôm sú (Penaeus monodon) đã cho thấy chúng có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh, các dòng thuần hóa đã chứng minh được các lợi ích di truyền quan trọng về tốc độ tăng trưởng, đề kháng và những đặc tính chọn lọc mong muốn khác. Thời gian thế hệ tương đối ngắn (so với các loài nuôi trồng thủy sản khác) là một điểm cộng trong nỗ lực lai giống chọn lọc của chúng. Đặc biệt quan trọng nữa sẽ là sự thuần hóa tiếp theo của chúng, sự phát triển của các dòng cải tiến sạch bệnh cụ thể (SPF), kháng bệnh cụ thể (SPR) và chống chịu bệnh cụ thể (SPT), và việc cho lai giống để cải thiện năng suất trong những môi trường nuôi cụ thể. Cũng rất quan trọng, theo ý kiến của tôi sẽ là tăng cường sử dụng và ứng dụng các công nghệ -omics (nghiên cứu tế bào) như genomics (nghiên cứu gen và chức năng gen), nutrigenomics (nghiên cứu gen và dinh dưỡng), proteomics (nghiên cứu gen và protein) và những công nghệ khác trong ngành công nghiệp non trẻ của chúng ta.
Câu hỏi thứ hai cần xem xét là “Chúng ta có thể nuôi con tôm tốt hơn không?” Một lần nữa là được.
Chúng ta có các công cụ và những công cụ này đang tốt hơn, cũng như những công nghệ mới đang được phát triển. Trong các công nghệ nuôi tăng trưởng, chúng ta có thể tăng tái sử dụng nước và công nghệ biofloc, tăng cường sử dụng sản xuất đa pha với các hệ thống ương dưỡng. Chúng ta có thể phát triển ngành này trong nội địa, gần các trung tâm tiêu thụ lớn. Nghiên cứu dinh dưỡng tiếp tục mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về các nhu cầu dinh dưỡng của tôm, sự liên quan của sức khỏe đường ruột, với các thành phần nguyên liệu đổi mới và các quy trình sản xuất thức ăn thủy sản được cải thiện, với các thức ăn chức năng mới (theo mùa, căng thẳng, điều hòa miễn dịch, những thứ khác), với cải tiến phân phối/quản lý thức ăn bao gồm cả cho ăn chính xác.
Trong lĩnh vực quản lý sức khỏe, chúng ta có thể cải thiện an toàn sinh học hiệu quả bao gồm xem xét tổng quan với quản lý khu vực; nghiên cứu đang được cải tiến liên tục về phát hiện mầm bệnh và cung cấp một sự hiểu biết tốt hơn về phương thức hoạt động của chúng; hiệu quả sử dụng các chất kích thích miễn dịch và chế phẩm sinh học probiotic có thể thậm chí có ý nghĩa rất lớn và nghiên cứu đang thực hiện đã cho thấy ngay cả sự phát triển của “vắcxin” bây giờ dường như không quá xa vời.
Và câu hỏi thứ ba của tôi là “Chúng ta có thể phát triển được thị trường tôm không?” Chắc chắn được. Nhưng chúng ta cần phải cung cấp các sản phẩm sẵn có phù hợp và chất lượng, cũng như có giá trị gia tăng nhiều hơn, mới và “thuận tiện”.
Chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn để tiếp cận đến ngành thức ăn nhanh và tăng sự hiện diện của chúng ta tại thị trường nội địa của nhiều quốc gia. Các công nghệ mới như vậy có thể kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm tươi (ví dụ phương pháp đóng gói trong khí quyển điều chỉnh), có thể cách mạng hóa cách chúng ta tiếp thị sản phẩm của mình như thế nào.
Tôi tin rằng chúng ta có thể mong đợi xu hướng sản xuất tôm nuôi toàn cầu tiếp tục. Các xu hướng chính bao gồm hiệu quả hơn ở mọi cấp độ của sản xuất, tiếp thị và gia tăng củng cố ngành. Các vấn đề nghiên cứu và phát triển quan trọng là tôm tăng trưởng nhanh hơn, kháng bệnh tốt hơn được phát triển phù hợp cho các điều kiện nuôi cụ thể. Các đặc tính sản phẩm bổ sung (ví dụ hàm lượng omega 3 cao hơn) sẽ là một điểm cộng cho tiếp thị và gia tăng nhu cầu tiêu dùng.
Các vấn đề chính trong sản xuất giống là sự sẵn có Artemia và giá cả, tăng cường thay thế các thức ăn sống và an toàn sinh học. Các vấn đề nuôi tăng trưởng quan trọng bao gồm rút ngắn ngày nuôi nhờ lai giống có chọn lọc, hiệu quả sản xuất và quản lý; nâng cao an toàn sinh học, quản lý sức khỏe và tỉ lệ sống.
Các vấn đề thị trường bao gồm mở rộng tiêu thụ (các thị trường mới, trong/ngoài nước); phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng mới; và đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người tiêu dùng về bổ dưỡng, tính bền vững và trách nhiệm. Ngành này có tiềm năng lớn để mở rộng sản xuất toàn cầu, nhờ vào sự phát triển của các địa điểm mới và bằng cách tăng cường trách nhiệm của các công nghệ sản xuất và các quy trình.
Mối liên quan giữa stress đến bệnh
Về chủ đề bệnh trên tôm, Tiến sĩ María Soledad Morales-Covarrubias của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Thực phẩm, AC (CIAD, Mexico) đã thảo luận về tình hình hiện tại của các loại bệnh khác nhau trên tôm nuôi – bao gồm cả các bệnh gây ra bởi vi khuẩn, sinh vật đơn bào và virút, cũng như các tác nhân khác – ở Trung Mỹ. Bà đã trình bày báo cáo kết quả tỷ lệ mắc các bệnh này từ các chương trình lấy mẫu trong khu vực, và kết luận rằng “… nguy cơ của các bệnh này đòi hỏi sự sáng tạo và việc thực hiện các đề án quản lý hiệu quả có quan hệ liên đới giữa sinh vật với nước, đất và thức ăn, dẫn đến sự căng thẳng ở mức tối thiểu.”
Tiến sĩ Sonia Soto, cũng từ CIAD Mexico đã trình bày tổng quan chi tiết về các bệnh truyền nhiễm ở tôm nuôi tại Mexico, điểm lại lịch sử của các loại bệnh tôm trong nước, các phương pháp và công nghệ chẩn đoán đối với các mầm bệnh chủ yếu thuộc vi khuẩn và virút. Tiến sĩ cũng đã thảo luận về đặc điểm kiểu hình của dòng vi khuẩn (Vibrio parahaemolyticus AHPND +) liên quan đến bệnh tôm chết sớm hoặc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) ở Mexico, và ở phần kết luận của mình, tiến sĩ cho biết “Các dòng Vp đầu tiên gây bệnh với độc lực khác nhau, mà chất độc trong plasmid có khả năng lây nhiễm các dòng địa phương, có những khác biệt không đáng kể giữa các dòng Mexico và châu Á, các dòng gây bệnh có thể chống chịu rất nhiều kiểu điều kiện môi trường.”
Tiến sĩ khuyến nghị một vài cách lựa chọn để kiểm soát AHPND như “giữ cho mật độ Vp dưới mức độ lây nhiễm là 104 CFU/mL; sử dụng các hệ thống ương dưỡng khép kín ít thay nước, sử dụng các chế phẩm sinh học và công nghệ biofloc; áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm sản xuất tôm giống; tránh sử dụng kháng sinh và chế phẩm sinh học gốc (generic probiotics); và sử dụng các dòng tôm di truyền.”
BioAqua.vn
Nguồn: http://advocate.gaalliance.org/we-can-grow-better-shrimp-and-in-better-ways/#sthash.3E2KME2v.dpuf
* Ghi chú: Generic probiotics – Khái niệm này dùng để chỉ các loài vi khuẩn có lợi được đưa ra dưới tên một nhãn hiệu mới, sau khi quyền sở hữu trí tuệ đã hết hạn, không có đăng ký bản quyền sở hữu hoặc việc sử dụng bị hạn chế ở một số quốc gia nhất định, các phương thức sử dụng hoặc ứng dụng lâm sàng.
—————————————————————————————————————————–
Một số bệnh mới hoặc mới nổi xuất hiện trong thời gian gần đây trên tôm nuôi ở khu vực Châu Á
Rất nhiều bệnh mới xuất hiện hoặc mới nổi lên như là một tác nhân gây bệnh trên tôm nuôi ở khu vực Châu Á như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND-acute hepatopancreatic necrosis disease), bệnh do vi bào tử trùng (hepatopancreatic microsporidiosis- HPM), bệnh ký sinh trùng gan tụy (HPH- hepatopancreatic haplosporidiosis), bệnh do ký sinh trùng vermiform (ATM-aggregated transformed microvilli) và “bệnh tôm chết bí ẩn” (CMD- covert mortality disease). Bài viết sẽ trình bày chi tiết về các bệnh này trên tôm.
1. Bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND)
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc (2009) sau đó lây lan sang các nước trong khu vực Châu Á như Việt Nam (2010), Malaysia (2011), Thái Lan (2012) và Mexico (2013). Tỷ lệ tôm chết thường xuát hiện sau khi thả giống khoảng 35-45 ngày. Bệnh này còn được biết đến với tên gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS), tuy nhiên cái tên này thường gây nhầm lẫn vì rất nhiều tác nhân làm tôm chết ở giai đoạn sớm. Bệnh AHPND xuất hiện trên cả hai loài tôm nuôi phổ biến ở khu vực Châu Á là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Đầu năm 2013, tác nhân gây bệnh AHPND được xác định là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết được rõ ràng là có phải chỉ do một chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây nên AHPND hay do nhiều chủng vi khuẩn gây nên. Những nghi ngờ này đã được chứng minh khi liên tục có những công bố khoa học mới trong thời gian gần đây cho thấy một số chủng vi khuẩn khác thuộc nhóm Vibrio cũng gây nên bệnh AHPND.
Tháng 9/2015, một nghiên cứu được công bố cho thấy chủng vi khuẩn Vibrio harveyi mới gây bệnh AHPND trên tôm nuôi tại Việt Nam. Phân tích trình tự gen của vi khuẩn này cho thấy nó có họ hàng gần nhất với chủng vi khuẩn Vibrio harveyi ATCC BAA-1116. Một tìm kiếm tương đồng (homology search) bằng cách sử dụng các gen dự đoán (predicted genes) cũng cho thấy có sự tương đồng cao với các gen của vi khuẩn V. harveyi và Vibrio campbellii hơn là so với vi khuẩn V. parahaemolyticus. Kết quả nghiên cứu cho thấy trình tự gen của loài vi khuẩn Vibrio gây bệnh AHPND trên tôm không phải là vi khuẩn V. parahaemolyticus như đã công bố trước đây. Chủng vi khuẩn này cũng tồn tại các gen độc tố và có trình tự giống với plasmid đã biết. Dòng vi khuẩn này có trình tự gen giống với V. harveyi, có nghĩa là các gen độc tố có thể được truyền từ loài vi khuẩn Vibrio này sang loài vi khuẩn Vibrio khác.
Tháng 2/2016, theo báo cáo của tổ chức Thú ý Thế giới OIE (the World Organization for Animal Health), một dịch bệnh mới đang bùng phát trên tôm sú nuôi tại bang Queensland, Úc. Tỷ lệ chết trên tôm sú nuôi xuất hiện trên diện rộng tại nhiều trang trại nuôi tôm ở khu vực này. Theo đó, dịch bệnh này xuất hiện trên tôm nuôi từ 35-95 ngày sau khi thả giống. Tỷ lệ chết dồn có thể lên đến 90%. Những con tôm chết có dấu hiệu tổn thương hệ thống gan tụy. Các phân tích mô bệnh học trên tôm bệnh phù hợp với các dấu hiệu của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính AHPND đã được báo cáo trước đó. Tuy nhiên, bệnh này không thỏa mãn với các định nghĩa về bệnh AHPND trên tôm được cung cấp bởi OIE. Hiện tại, các thông tin chuẩn đoán bệnh này được xác định là do một chủng vi khuẩn khác thuộc loài Vibrio harveyi được phân lập trên tôm nhiễm bệnh. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus – tác nhân gây bệnh AHPND không có liên quan đến bệnh mới xuất hiện này. Xét nghiệm PCR với các cặp mồi AP3 và AP4 cho thấy vi khuẩn phân lập được từ tôm nhiễm bệnh cho kết quả dương tính với các gen gây độc PirA và PirB. PCR với hai cặp mồi AP1 và AP2 cho kết quả âm tính, cho thấy không có sự hiện diện của plasmid pVA1 liên quan đến bệnh AHPND (hai cặp mồi AP1 và AP2 cho kết quả dương tính với bệnh AHPND trên tôm nuôi tại khu vực Châu Á). Kết quả giải trình tự sơ bộ bộ gen của loài vi khuẩn này cho thấy có sự hiện diện của hai gen độc tố PirA và PirB. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đang được tiếp tục triển khai để hoàn thành việc giải trình tự toàn bộ bộ gen, phân lập và định danh vi khuẩn này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Thái Lan và Đài Loan, đứng đầu là Giáo sư T.W. Flegel và C.F. Lo đã phát triển phương pháp PCR để phát hiện vi khuẩn gây bệnh gan tụy cấp AHPND trên tôm. Tháng 12/2013, nhóm nghiên cứu này đã công bố thông tin chi tiết phương pháp PCR bao gồm trình tự mồi (primers) và cả quy trình cho việc phát hiện mầm bệnh bằng kỹ thuật PCR. Đây là thông tin đầu tiên về phương pháp phát hiện vi khuẩn gây bệnh AHPND trên tôm bằng kỹ thuật PCR.
Tháng 6/2014, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tim Flegel đã công bố một phương pháp PCR mới và cải tiến có thể phát hiện chính xác 100% mẫu tôm nhiễm AHPND. Phương pháp này dựa trên cặp mồi AP3 nên thường được gọi tắt là “AP3”. Giáo sư Tim Flegel cho biết: “Đây là thông tin chi tiết về một phương pháp PCR mới, hoàn toàn miễn phí để phát hiện chính xác 100% vi khuẩn gây bệnh AHPND. Quy trình PCR này đã được cải tiến so với quy trình PCR chúng tôi phát hành miễn phí vào tháng 12 năm 2013. Quy trình này đã được công bố ở Hội nghị về tôm tại Zhanjiang, Trung Quốc vào ngày 18/06/2014”.
Mới đây, vào tháng 2/2015, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Flegel tiếp tục công bố phương pháp nested PCR (PCR hai bước) cải tiến mới gọi là “AP4” có thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh AHPND với độ nhạy cao gấp 100 lần so với phương pháp cải tiến (AP3) được công bố vào tháng 6/2014. Bởi vì độ nhạy cao của phương pháp mới này nên bước nuôi tăng sinh vi khuẩn trong phương pháp sử dụng cặp mồi AP3 là không cần thiết, nó giúp rút ngắn thời gian và đơn giản hơn trong quy trình thực hiện.
2. Bệnh do vi bào tử trùng (HPM)
Tác nhân gây bệnh do vi bào tử trùng được xác định là do ký sinh trùng có tên là Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Bệnh HPM được báo cáo đầu tiên trên tôm sú nuôi ở Thái Lan năm 2004. Bệnh này sau đó được đặt tên và mô tả chi tiết vào năm 2009. Một nghiên cứu thống kê vào năm 2004 cho thấy bệnh HPM không có liên quan đến sự chậm tăng trưởng trên tôm.
Một loài vi bào tử trùng khác được phát hiện trước EHP trên các loài tôm P. monodon, P. merquiensis và P. vannamei nuôi ở Thái Lan có tên là Agmaosma penaei. Ký sinh trùng Agmaosma penaei thường xuất hiện trên cơ và mô liên kết của tôm. Đây được xem là tác nhân gây “bệnh tôm bông” (cotton shrimp disease) hay “bệnh tôm sữa” (milk shrimp disease) theo cách gọi ở Mỹ hay “bệnh trắng lưng” (white back disease) theo cách gọi ở Thái Lan. Hiện tại, vật chủ trung gian lan truyền bệnh vi bào tử trùng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Kết quả phân tích PCR trên một số đối tượng làm thức ăn cho tôm ở các giai đoạn khác nhau như giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ hay Artemia đều phát hiện EHP nhưng không thể khẳng định chúng là vật chủ trung gian lan truyền bệnh hay do chúng bị nhiễm EHP. EHP cũng được xác định là có khả năng lan truyền trực tiếp từ tôm bệnh sang tôm khỏe do ăn nhau.
EHP có thể được phát hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm phân tử như PCR và LAMP từ phân của tôm bố mẹ. Phương pháp này cũng có thể được dùng để xét nghiệm tôm giống (postlarvae) hay tôm nuôi thương phẩm. Mầm bệnh này cũng có thể được phát hiện bằng kính hiển vi quang học với độ phóng đại 100X với mẫu nhuộm hoặc mẫu tươi gan tụy; tuy nhiên, bào tử của nó rất nhỏ (kích thước nhỏ hơn 1 micron chiều dài) nên chỉ có thể quan sát được rất ít mặc dù mẫu bị nhiễm với cường độ nặng.
3. Bệnh ký sinh trùng gan tụy (HPH)
Bệnh ký sinh trùng gan tụy haplosporidian bùng phát mạnh trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở Indonesia vào khoảng năm 2007 đến 2009. Phân tích mô bệnh học cho thấy tác nhân gây bệnh giống với một loài ký sinh trùng chưa được đặt tên gây bệnh trên tôm được báo cáo trước đây ở Trung Mỹ vào năm 1988. Các kết quả phân tích trình tự gen cho thấy loài ký sinh trùng này tương đồng tới 96% với trình tự gen của loài ký sinh trùng được báo cáo ở Trung Mỹ trước đây. Dựa trên trình tự gen (số định danh trên Ngân hàng gen là HQ285783) của loài ký sinh trùng này, các nhà nghiên cứu đã thiết kế được cặp mồi cho phản ứng PCR phát hiện được đồng thời ký sinh trùng phát hiện ở Trung Mỹ và ở Indonesia.
Kể từ năm 2010, bệnh do loài ký sinh trùng này không còn được báo cáo trên tôm nuôi ở Indonesia. Cũng giống như EHP, bệnh HPH không nằm trong danh sách các loại bệnh được liệt kê bởi Tổ chức Thú y Thế giới OIE và cũng không nằm trong danh sách các bệnh cần kiểm soát khi sản xuất tôm giống phi bệnh tật SPF của các trại sản xuất giống. Lời khuyên đối với các nước nhập khẩu tôm giống, tôm bố mẹ hay tôm sống là cần tiến hành phân tích mẫu tôm để loại bỏ và tránh sự lây lan của mầm bệnh này trên tôm nuôi ở địa phương.
4. Bệnh do ký sinh trùng vermiform (ATM)
Cùng với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND), tỷ lệ tôm nhiễm ký sinh trùng có hình dạng gần giống với trùng hai tế bào gregarine có tên là vermiform (hình dạng giống với giun) ngày càng gia tăng ở các nước nuôi tôm thuộc khu vực Châu Á.
Loài ký sinh trùng này thường được tìm thấy trong gạn tụy (HP) và ruột của tôm nhiễm bệnh. Khi tôm nhiễm với cường độ cao sẽ dẫn đến việc hình thành một chuỗi phân có màu trắng thải ra môi trường và hiện tượng này được gọi là hội chứng phân trắng (WFS – white feces syndrome). Mẫu nhuộm tươi mô gan tụy tôm quan sát dưới kính hiển vi quang học (LM) cho thấy cơ thể vermiform gần như là trong suốt với chiều rộng và đường kính tỷ lệ thuận với tế bào ống lượn của mô gan tụy. Điều đặc biệt là vermiform không có cấu trúc tế bào. Khi soi dưới kính hiển vi quang học với độ phóng đại cao (40-100X), có thể quan sát thấy vermiform bao gồm một lớp màng dày và có nhiều nếp gấp phức tạp, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp màng mỏng.
Mẫu mô gan tụy tôm nhuộm bằng H&E cho thấy rõ hình thái của vermiform và cấu trúc giống bào tử
Quan sát dưới kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) cho thấy, lớp màng bao bọc bên ngoài của vermiform không giống với màng sinh chất hay lớp màng ngoài của bất kỳ loài trùng hai tế bào (gregarine) nào đã biết hoặc các sinh vật đơn bào hay đa bào khác. Các thành phần phụ của tế bào như ty thể, nhân tế bào, lưới nội chất và ribosome đều không hiện diện ở vermiform. Bên trong màng tế bào có một tiểu cấu trúc hình ống xuất phát từ biểu mô ống lượn của tế bào gan tụy và đôi khi nó bao bọc toàn bộ tế bào B (B-cell). Khi bóc tách màng tế bào, các tế bào bên trong đã bị dung giải (lysis). Ngược lại, các tế bào B vẫn còn nguyên vẹn hoặc tróc ra và tồn tại độc lập trong tế bào biểu mô ống lượn của gan tụy. Đôi khi chúng kết hợp lại và bao bọc bởi màng tế bào, điều này thường rất dễ nhầm lẫn với dạng bào tử (kén, nan bào) của trùng hai tế bào gregarine khi quan sát dưới kính hiển vi quang học. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được biết, tuy nhiên có thể đây là một quá trình bệnh lý của loài ký sinh trùng vermiform này.
Khi tôm nhiễm ký sinh trùng vermiform với cường độ cao, chúng làm cho tôm chậm lớn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh cơ hội như nhóm vi khuẩn Vibrio. Ngoài ra, mối quan hệ (nếu có) giữa nhiễm ký sinh trùng vermiform và bệnh gan tụy cấp tính trên tôm EMS/AHPND cũng cần được nghiên cứu xác định.
5. “Bệnh tôm chết bí ẩn” (CMD)
Một loại bệnh mới được phát hiện trong thời gian gần đây trên tôm gọi là “bệnh tôm chết bí ẩn” (convert mortality disease, CMD) đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp nuôi tôm tại Trung Quốc và rất nhiều nước trên thế giới thuộc khu vực Đông Nam Á, gây giảm sản lượng tôm nuôi một cách đáng kể.
Tôm thẻ chân trắng mắc bệnh này có các dấu hiệu lâm sàng như gan tụy bị teo và hoại tử, vỏ mềm, tăng trưởng chậm, phần cơ bụng bị đục (trắng) và hoại tử ở giai đoạn cấp tính của bệnh.
Loài nodavirus mới được đặt tên là convert mortality nodavirus (CMNV) được xác định là nguyên nhân gây bệnh này trên tôm.
Kỹ thuật đặc hiệu và có độ nhạy cao gọi là kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt qua trung gian cấu trúc kẹp tóc (LAMP) đảo ngược theo thời gian thực (real-time reverse transcription loop-mediated isothermal amplification, RT-LAMP) đã được nghiên cứu và phát triển để phát hiện và định lượng nhanh CMNV. Kết quả cho thấy, kỹ thuật RT-LAMP là một công cụ mới và hiệu quả để phát hiện và định lượng CMNV gây nên “bệnh tôm chết bí ẩn”.
Source: Triệu Tuấn, Aquanetviet.com
Tham khảo: Siripong et al. 2016. Aquaculture 452, 69-87; Qingli et al. 2015. Journal of Invertebrate Pathology, doi: http://dx.doi.org/10.1016/j.jip.2015.09.001; Sriurairatana, S. et al. LoS ONE 9(6): e99170. doi:10.1371/journal.pone.0099170