Giới thiệu: Trong những năm gần đây, tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vanamei) là đối tượng nuôi phổ biến ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do tôm thẻ sinh trưởng tốt trong điều kiện độ mặn biến động lớn, có khả năng kháng bệnh cao, dễ sinh sản và gia hoá […]
Giới thiệu: Trong những năm gần đây, tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vanamei) là đối tượng nuôi phổ biến ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do tôm thẻ sinh trưởng tốt trong điều kiện độ mặn biến động lớn, có khả năng kháng bệnh cao, dễ sinh sản và gia hoá (Liao and Chien, 2011). Tuy nhiên, hiện nay nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cũng gặp nhiều khó khăn như chất lượng tôm giống không ổn định, giá thức ăn tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Theo nghiên cứu của Crabs, et al. (2007) trong mô hình nuôi tôm, cá thâm canh thức ăn cung cấp cho đối tượng nuôi chỉ được cá, tôm đồng hóa 23% và lượng đạm mất từ thức ăn là 73%, dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi. Thêm vào đó, chi phí thức ăn trong nuôi tôm thâm canh chiếm trung bình 58% tổng chi phí sản xuất (Vu Nam Son, et al., 2011). Một số giải pháp để giảm thiểu vấn đề này là giảm mật độ nuôi, nuôi luân canh, xen vụ, nuôi kết hợp đa loài… Trong hệ thống nuôi kết hợp tôm và rong biển, các chất đạm từ nước thải của tôm nuôi được rong biển hấp thụ, đồng thời rong biển được làm thức ăn cho tôm giúp cân bằng được hệ sinh thái và giảm chi phí thức ăn (FAO, 2003; Neori et al., 2004; Baruah, et al., 2006).
Hình 1: Rong bún (bên trái) và rong mền (bên phải).
Giống như các loài rong biển khác, rong bún (Enteromorpha spp.) và rong mền (Cladophoraceae) thuộc ngành rong lục không những có giá trị dinh dưỡng cao được sử dụng làm thức ăn cho các loài thủy sản mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ chất hữu cơ, làm giảm sự ô nhiễm môi trường nuôi thủy sản (FAO, 2003; Khuantrairong and Traichaiyaporn, 2009). Ở Đồng bằng sông Cửu Long, rong bún và rong mền xuất hiện tự nhiên với sinh lượng cao trong các thủy vực nước lợ, là đối tượng rất có tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản (ITB-Vietnam, 2011; Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2013). Vì thế, nghiên cứu khả năng giảm thức ăn trong nuôi kết hợp tôm thẻ chân trắng với rong bún hoặc rong mền là rất cần thiết. Kết quả thành công có thể khuyến khích người dân sử dụng nguồn rong tại chỗ nhằm giảm chi phí thức ăn và góp phần phát triển các mô hình nuôi tôm kết hợp thân thiện với môi trường và bền vững.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu khả năng giảm thức ăn trong nuôi thẻ chân trắng (Litopeneaus vannamei) kết hợp với rong bún (Enteromorpha sp.) và rong mền (Cladophoracea) được thực hiện gồm 7 nghiệm thức với 3 lần lặp lại. Trong nghiệm thức đối chứng, tôm nuôi đơn và được cho ăn thức ăn thương mại thỏa mãn, 6 nghiệm thức còn lại tôm được nuôi kết hợp với rong bún hoặc rong mền cho ăn ở các mức 75%, 50% và 25% lượng thức ăn của nghiệm thức đối chứng. Bảy nghiệm thức như sau: Nghiệm thức 1: đối chứng (tôm nuôi đơn_cho ăn theo nhu cầu); Nghiệm thức 2: Tôm + rong bún cho ăn 75% đối chứng (RB+75% ĐC); Nghiệm thức 3: Tôm + rong mền_cho ăn 75% đối chứng (RM+75%ĐC); Nghiệm thức 4: Tôm + rong bún _cho ăn 50% đối chứng (RB+50%ĐC); Nghiệm thức 5: Tôm + rong mền _cho ăn 50% đối chứng (RM+50%ĐC); Nghiệm thức 6: Tôm + rong bún_cho ăn 25% đối chứng (RB+25%ĐC); Nghiệm thức 7: Tôm + rong mền cho ăn 25% đối chứng (RM+25%ĐC).
Tôm postlarvae (PL) có khối lượng trung bình là 0,036g được nuôi trong bể nhựa 100-L với mật độ 20 PL/bể (200 PL/m3) ở độ mặn 10 ppt. Hệ thống thí nghiệm được bố trí trong trại giống, mái tole sáng, sục khí nhẹ và liên tục. Rong bún hoặc rong mền tươi được bố trí 100 g/bể (đối với nghiệm thức nuôi kết hợp), cung cấp dinh dưỡng cho rong là dung dịch walne 1 ml/lít (chỉ cung cấp 1 lần khi bố trí thí nghiệm). Thức ăn thương mại (GROWBEST) dùng cho tôm thẻ được sử dụng cho từng giai đoạn với hàm lượng đạm 35-40%). Tôm được cho ăn 4 lần/ngày vào 6 h, 11 h, 16 h và 21 h. Chế độ thay nước được thực hiện hàng tuần, mỗi lần thay 30% lượng nước trong bể nuôi. Khối lượng rong được xác định mỗi tuần và được bổ sung thêm bằng khối lượng rong ban đầu trong suốt thời gian nuôi và thí nghiệm được tiến hành 72 ngày.
Màu sắc của tôm: Màu sắc của tôm thẻ sau khi kết thúc thí nghiệm: biểu thị ở nghiệm thức nuôi kết hợp tôm với rong bún hoặc rong mền, tôm luộc chín có màu đỏ đậm, trong khi tôm ở nghiệm thức đối chứng có màu nhạt hơn.
Kết luận:
– Các nghiệm thức tôm nuôi kết hợp với rong bún và rong mền có hàm lượng TAN và NO2– thấp hơn so với nuôi tôm đơn trong suốt thời gian nuôi.
– Tôm nuôi kết hợp với rong bún hoặc rong mền và cho ăn 50-75% nhu cầu có tốc độ tăng trưởng từ tương đương đến cao hơn có ý nghĩa (p<0,05) so với tôm nuôi đơn được cho ăn theo nhu cầu.
– Tôm thẻ chân trắng nuôi kết hợp với rong bún hoặc rong mền sau khi luộc chín có màu đỏ đậm và tôm nuôi đơn có màu đỏ nhạt.
Nguồn: aquanetviet.org
http://qldiem.ctu.edu.vn/ql/docgia/download/baibao-7327/13-TS_NGUYEN%20THI%20NGOC%20ANH(98-105).pdf