Tôm nuôi ở độ mặn cao dễ bị dịch bệnh, nhất là các bệnh virus đốm trắng, đầu vàng, vi khuẩn phát sáng và EMS. Vì vậy, người dân đang có xu hướng nuôi tôm ở độ mặn thấp (<10‰). Với loại hình nuôi này, cần lưu ý một số vấn đề. So với tôm […]
Tôm nuôi ở độ mặn cao dễ bị dịch bệnh, nhất là các bệnh virus đốm trắng, đầu vàng, vi khuẩn phát sáng và EMS. Vì vậy, người dân đang có xu hướng nuôi tôm ở độ mặn thấp (<10‰). Với loại hình nuôi này, cần lưu ý một số vấn đề.
So với tôm sú thì tôm thẻ chân trắng (TTCT) là đối tượng nuôi ở độ mặn thấp phù hợp hơn, bởi TTCT chịu đựng độ mặn thấp tốt hơn tôm sú; ngoài ra TTCT còn sinh trưởng nhanh hơn, thời gian nuôi ngắn và nuôi được ở mật độ cao. Khi nuôi TTCT ở độ mặn thấp chỉ nên thả mật độ vừa phải (80 – 100 con/m2).
Hạ độ mặn
Thường tôm được sản xuất từ trại giống nước có độ mặn trên 20‰. Do vậy, khi mua giống về cần hạ độ mặn tại trại giống xuống từ từ để tránh gây sốc cho tôm (3 giờ hạ một lần, mỗi lần hạ không quá 2‰). Trong tháng nuôi đầu tiên, độ mặn thả nuôi không nên thấp hơn 7 – 8‰ nhằm giảm tối đa việc gây sốc tôm. Tháng thứ 2, nên châm thêm nước ngọt vào ao để hạ độ mặn ao nuôi xuống dần nhưng không dưới 5‰.
Không nên trực tiếp lấy nước từ kênh mương vào ao nuôi. Người nuôi cần chuẩn bị ao lắng diện tích chiếm 15 – 20% và độ sâu tối thiểu 1,5 mét, để có đủ nước cấp cho ao nuôi. Nước phải để lắng và được xử lý ít nhất 6 ngày trước khi cấp vào ao nuôi. Nước ở tầng đáy trong ao nuôi cần thải bớt ra ngoài khi màu nước ao nuôi trở nên đậm đặc. Trong giai đoạn tôm giống P12 cỡ 15g, nếu độ mặn thấp hơn 5‰ thì tôm dễ bị còi cọc, mềm vỏ, tỷ lệ sống thấp.
Sử dụng chế phẩm sinh học hợp lý khi nuôi tôm ở độ mặn thấp – Ảnh: Phan Thanh Cường
Quản lý tảo
Từ tháng thứ 2 trở đi, khi hàm lượng dinh dưỡng trong ao lớn, cần lưu ý sự phát triển của tảo, nhất là tảo lam (Cyanophyta). Khi tảo phát triển quá mức làm nước trở nên xanh đậm đặc hoặc có váng xanh trên mặt nước sẽ nâng pH lên cao và biến động lớn, vậy cần kiểm soát mật độ tảo trong ao vừa phải bằng cách thay bớt nước tầng đáy (tháo qua cánh phai của cống thoát) và châm thêm nước mới (mỗi lầng 7 – 10%) từ ao lắng. Giá trị pH trong ngày chỉ nên 7,8 – 8,3, thấp vào buổi sáng, cao vào buổi chiều; độ kiềm cũng không nên vượt quá 150 mg/l, vì nếu pH và độ kiềm vượt ngưỡng thì ion Ca++ sẽ tích lũy nhiều trong vỏ làm cho tôm còi cọc và khó lột xác. Nên sử dụng vôi Dolomite hoặc Ca(OH)2 để tăng pH khi trời mưa, pH xuống thấp.
Quản lý, chăm sóc
Trong quá trình nuôi, đặc biệt với TTCT, do độ mặn thấp, trong nước các ion Ca++, Mg++, Na+, K+… sẽ thấp nên quá trình lột xác xảy ra không đồng đều, tôm sẽ bị mềm vỏ sau khi lột xác, dễ bị tôm khác tấn công, ăn thịt, tỷ lệ hao hụt cao. Vậy cần bổ sung định kỳ hàm lượng khoáng vào ao nuôi và trộn vitamin trong thức ăn của tôm với liều lượng 60 mg/kg thức ăn cho ăn hằng ngày.
Nên sử dụng men tiêu hóa trong toàn vụ nuôi, cần chú trọng cho ăn men tiêu hóa có chứa thêm enzyme Phytase, vì với Phytase nó có thể giúp việc tiêu thụ thức ăn tốt hơn, ít ô nhiễm môi trường hơn và giảm được chi phí. Ao nuôi ở độ mặn thấp, nước ao thường dễ bị đục sau khi thả tôm hoặc sau khi thay nước, làm cho tôm bị sẫm màu hoặc đỏ thau vào buổi sáng. Do vậy người nuôi cần phải xử lý sớm khi ao bị mất màu và trước khi tôm bỏ ăn. Để giảm độ đục, nên tắt máy quạt nước vào ban ngày để lắng bớt chất gây đục nước và cho tảo nổi lên, sau đó tháo bớt nước đáy ao để loại bỏ chất lắng đọng. Nếu sau khi tắt máy quạt, nước để lắng rồi tháo đáy mà vẫn còn đục thì phải can thiệp thêm chất keo tụ (như zeolite và yucca) để kết tủa huyền phù, rồi xả đáy, sau đó châm nước mới vào ao.
Khí độc trong ao
Sang tháng nuôi thứ 2, lượng chất thải tôm bắt đầu tăng cao; quá trình bài tiết của tôm và phân hủy mùn bã hữu cơ sẽ sinh ra nhiều khí độc trong ao nuôi (như H2S, NH3, NO2…) gây độc cho tôm. Do vậy cần phải xiphông và thay nước tầng đáy, đồng thời bón chế phẩm vi sinh để chuyển hóa khí độc, tạo điều kiện cho tôm phát triển tốt.
TTCT được nuôi ở độ mặn thấp (5 – 15‰) sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở độ mặn cao. Đó là do ở độ mặn thấp sự trao đổi chất (protein) trong cơ thể tôm tốt hơn và khi độ mặn thấp thì tôm bị bắt buộc sử dụng tổng acid amin tự do (free amino acid pool) để bù vào sự thay đổi thể tích tế bào. Hiện nay, nhiều hộ nuôi đã sử dụng nước ngọt từ giếng khoan để pha làm giảm độ mặn. Nước giếng khoan có hàm lượng DO thấp và ion Mn, Fe cao (thường ở dạng khử). Nếu sử dụng pha trực tiếp vào ao tôm thì kết tủa của các muối kim loại sẽ bám vào mang tôm, gây stress hoặc gây chết tôm. Tuy nhiên, nếu nước giếng khoan sau khi bơm được sục khí mạnh, những kim loại Mn, Fe sẽ bị ôxy hóa thành MnO2 và Fe(OH)3 kết tủa, không gây hại cho tôm. Trong nước biển tự nhiên, tỷ lệ Ca/Mg thường là 1/3,4 và ở nước giếng khoan tỷ lệ này là 10/1. Sự không cân bằng này có thể ảnh hưởng đến sự điều hòa thẩm thấu và là nguyên nhân gây ra hội chứng co cơ ở tôm.
>> Ở độ mặn thấp, các yếu tố thủy hóa biến động mạnh, thiếu nhiều khoáng chất, cần điều chỉnh kịp thời trong quá trình nuôi tôm.
Hải An
Nguồn: www.thuysanvietnam.com.vn
BioAqua sưu tầm
Bài viết liên quan:
Nhấp vào đây để đăng đánh giá của bạn.