(Thủy sản Việt Nam) – Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi nên lựa chọn loại thức ăn đảm bảo có thành phần phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của tôm. Protein Cũng như các động vật thủy sản khác, tôm sử dụng protein là nguồn năng lượng chính. Nhu cầu protein của tôm […]
(Thủy sản Việt Nam) – Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi nên lựa chọn loại thức ăn đảm bảo có thành phần phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của tôm.
Protein
Cũng như các động vật thủy sản khác, tôm sử dụng protein là nguồn năng lượng chính. Nhu cầu protein của tôm thẻ khoảng 30 – 35%, có thể sử dụng thức ăn có hàm lượng protein cao hơn khi tôm ở giai đoạn còn nhỏ. TTCT từ khi thả nuôi đến cỡ 3 g/con, sử dụng thức ăn có protein tổng số > 40%; từ 3 – 8 g, sử dụng thức ăn có protein tổng số 38%; từ 8 g đến khi xuất bán sử dụng thức ăn có protein tổng số 35 – 38%. Tôm sú, từ khi thả đến khi tôm đạt cỡ 5 g, sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm > 45%; khoảng 5 – 10 g/con, dùng thức ăn có hàm lượng protein 42 – 45%; từ 10 g đến khi thu hoạch dùng thức ăn chứa 40 – 42% protein.
Bột cá, bột tôm, bột mực có hàm lượng protein 45 – 80% và chứa đủ các axit amin cần thiết, chứa nhiều axit béo không no (HUFA) thiết yếu và phù hợp với hệ tiêu hóa của tôm nuôi. Vì vậy, khi lựa chọn thức ăn, người nuôi không những cần tìm hiểu hàm lượng protein mà còn cần quan tâm đến thành phần nguyên liệu của sản phẩm.
Lipid
Lipid tham gia cấu tạo nên màng tế bào cơ thể tôm, hòa tan các Vitamin A, D, E, K, hydrocarbon; có khả năng hoạt hóa enzyme và là thành phần chính của nhiều steroid hormone. Thường trong thức ăn thủy sản hàm lượng Lipid chiếm 10 – 25%. Tuy nhiên, với tôm nuôi, nếu năng lượng trong thức ăn quá cao làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn và chất đạm tiêu hóa không đủ để tôm phát triển, làm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng tỷ lệ tử vong. Theo TS. Lại Văn Hùng, chuyên gia dinh dưỡng động vật thủy sản thì tôm không có muối mật và axit mật nên hạn chế việc tiêu hóa Lipid. Vì vậy, hàm lượng Lipid trong thức ăn chăn nuôi luôn đảm bảo < 10%.
Chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng, nó là chất nền cho vi sinh vật sống trong ống tiêu hóa. Ngoài ra chất xơ còn chứa một lượng nước nhất định có tác dụng duy trì dịch ruột và tăng quá trình hấp thu dưỡng chất. Tuy nhiên, tôm có ruột, dạ dày ngắn nên khả năng tiêu hóa chất xơ kém. Vì vậy, hàm lượng chất xơ bổ sung vào thức ăn tôm hợp lý là khoảng 4 – 5%, thường là từ nguồn bột cỏ hoặc rong biển.
Vitamin
Đối với tôm nuôi, vitamin có giá trị dinh dưỡng rõ rệt, nhất là Vitamin C giúp giảm sốc và tăng sức đề kháng. Thiếu Vitamin C gây nên bệnh chết đen ở tôm. Hầu hết tôm cá đều không có khả năng tổng hợp Vitamin C mà hấp thu chủ yếu từ thức ăn. Ngoài ra, trong thức ăn cần có thành phần các loại vitamin khác như Vitamin A, D, E, và K. Tôm cá thiếu Vitamin A sẽ thiếu máu, xuất huyết ở mắt, mang, thận và thay đổi màu sắc cơ thể. Thiếu Vitamin D, tôm cá sẽ bị còi cọc. Thiếu Vitamin K, máu không đông, sinh trưởng giảm.
Khoáng chất
Tôm có nhu cầu khoáng đa lượng (chủ yếu là Canxi, Photpho) cao hơn một số động vật thủy sản nuôi khác do thường xuyên thực hiện quá trình lột xác. Trong thực tế, tôm có thể hấp thu trực tiếp khoáng qua mang từ môi trường nước, nên nhu cầu khoáng cho tôm phụ thuộc vào khoáng môi trường sống của tôm. Vì vậy, trong thức ăn tôm, mức Canxi bổ sung tối đa là 2,3%, Photpho 1 – 2%, NatriClorua 1 – 2%. Ngoài ra, trong thức ăn tôm cần sự có mặt của một số loại khoáng vi lượng, nhưng với lượng rất ít để tạo ra enzyme, hormone, điều hòa quá trình sinh tổng hợp protein.
>> Theo Th.S Nguyễn Tiến Thắng, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định NTTS, cho biết các sản phẩm sản xuất trong nước khi lưu thông trên thị trường hầu hết không được kiểm tra chất lượng ngoại trừ phiếu kiểm nghiệm sản phẩm khi doanh nghiệp đăng ký lưu hành. Vì vậy, rất khó kiểm soát chất lượng nguồn thức ăn này.
Nhật Minh