Tóm tắt: Thị trường hàng tươi sống đại diện cho một phân khúc hẹp đầy hứa hẹn ở các khu vực mà thủy hải sản nuôi tại địa phương không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ tiền. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà sản xuất tôm trong khu vực có thể […]
Tóm tắt: Thị trường hàng tươi sống đại diện cho một phân khúc hẹp đầy hứa hẹn ở các khu vực mà thủy hải sản nuôi tại địa phương không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ tiền. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà sản xuất tôm trong khu vực có thể đến với các thị trường cao cấp một cách hiệu quả hơn bằng các phương pháp vận chuyển không sử dụng nước. Sự kết hợp tối ưu cho việc vận chuyển tôm biển không dùng nước có liên quan đến giảm nhiệt độ nước 10 °C/giờ và bảo quản ở nhiệt độ khoảng 12 – 15 °C trong dăm bào gỗ ẩm lên đến 24 giờ. Điều kiện tương tự với tôm nước ngọt, nhưng chúng không thể chịu được nhiệt độ dưới 14 °C.
Ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, tôm sống có thể được vận chuyển trên một thảm dăm bào gỗ ướt, thay vì trong nước.
Để hỗ trợ ngành nuôi tôm liên tục tăng trưởng trong các khu vực mà không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ tiền, một thị trường hẹp đòi hỏi giá cao hơn giá tôm nhập khẩu phải được tối đa lợi thế. Thị trường hàng tươi sống cho thấy đây là một thị trường hẹp rất hứa hẹn.
Khó khăn và tốn kém cho các nhà nhập khẩu khi vận chuyển tôm sống qua những quãng đường xa, các thị trường hàng tươi sống tạo cơ hội để các nước không có thế mạnh nuôi tôm cung cấp được cho các thị trường trong nước và khu vực thủy hải sản sống vốn có thể đòi mức giá cao.
Thị trường ngách/hẹp tiềm năng
Ví dụ, tôm là sản phẩm thủy sản số 1 được tiêu thụ tại Mỹ, với mức tiêu thụ bình quân đầu người trung bình hàng năm là 1,8 kg. Hơn 90% lượng tôm tiêu thụ ở Mỹ được nhập khẩu, và phần lớn tôm nhập khẩu từ nuôi trồng, không phải nguồn đánh bắt tự nhiên.
Mỹ chú trọng phát triển ngành nuôi tôm hơn nữa. Sản lượng tôm biển và tôm nước ngọt trong cả hệ thống nuôi trồng thủy sản trong ao hoặc tuần hoàn đã cho thấy khả thi về mặt kỹ thuật, và các doanh nghiệp thương mại áp dụng cả hai hệ thống hiện có. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đối với người nuôi ở Mỹ vượt quá những đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Giá trị thị trường tôm hàng hóa của Mỹ giảm sút do khối lượng lớn sản phẩm sẵn có của nước ngoài.
Bởi đây đang là thách thức cho các nhà nhập khẩu để vận chuyển tôm sống vào Mỹ, nên thị trường hàng tươi sống cho thấy phân khúc ngách hứa hẹn đối với tôm nuôi ở Mỹ.
Một nhà nghiên cứu kiểm tra tôm sau khi vận chuyển và trước khi đưa nó trở lại vào nước.
Vận Chuyển Tôm Sống
Vận chuyển tôm sống trong nước có thể được thực hiện khi có thể kiểm soát được nhiệt độ, các mức amoniac, oxy và cacbon dioxide. Tuy nhiên, khi sản phẩm được vận chuyển qua quãng đường dài thì khối lượng nước có thể làm chi phí cực đắt khiến người dùng không thể mua nổi.
Nếu tôm có thể được vận chuyển sống mà không cần khối lượng nước thì sẽ tiết kiệm đáng kể. Theo đó, các nghiên cứu đã được tiến hành để triển khai các phương pháp xử lý và đóng gói tôm sống không dùng nước.
Sau khi được thu hoạch, tôm phải được chuẩn bị để vận chuyển. Công việc này bao gồm các bước sau:
Gây tê tôm trong nước bằng cách sử dụng nước đá để hạ nhiệt độ. Vận chuyển tôm và nước nuôi vào một bể nhỏ hơn có sục khí. Từ từ cho nước đá và theo dõi sự thay đổi nhiệt độ. Cần chắc chắn nồng độ oxy hòa tan duy trì cao hơn 5 mg/L.
Ngâm vật liệu đóng gói cùng vào trong nước đã có tôm. Lấy các vật liệu dùng đóng gói đã ướp lạnh này ra và xếp thành lớp ở dưới đáy loại túi trong dùng đựng cá. Chỉ xếp tôm thành một lớp đặt lên trên nền vật liệu đóng gói đã ẩm.
Dùng một xi lanh bơm oxy vào túi và buộc kín túi. Đối với thí nghiệm này, các tác giả đã sử dụng buồng kiểm soát nhiệt độ để duy trì nhiệt độ bảo quản trong thực nghiệm lên đến 72 giờ.
Mở đóng gói và xem mang tôm có động đậy hoặc phản ứng khi bị kích động để xác định tôm vẫn còn sống hay không. Chế biến tôm hoặc cho tôm vào bể nước nuôi ở nơi tiếp nhận.
Nghiên cứu với Tôm biển, Tôm nước ngọt
Các tác giả đã khám phá ra việc vận chuyển không dùng nước nhờ thực hiện các thực nghiệm trong phòng thí nghiệm sử dụng cả tôm thẻ biển, Litopenaeus vannamei, và tôm nước ngọt, Machrobrachium rosenbergii. Đối với tôm biển, nghiệm thức đầu tiên đã xem xét kỹ mức độ gây tê, bao gồm việc giảm nhiệt độ nước ở mức 5,0; 7,5 và 10,0 °C/giờ. Nhiệt độ lúc đầu là 30 °C điển hình trong nuôi tôm. Nhiệt độ gây tê là nhiệt độ bảo quản, tương ứng các điều kiện vận chuyển.
Không nhìn thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ sống khi làm mát tôm ở các mức cho tới 10 °C/giờ. Thí nghiệm về các nhiệt độ bảo quản 10, 12, 15 và 20 °C trong thời gian lên đến 72 giờ đã nhận thấy phạm vi nhiệt độ tối ưu là 12 – 15 °C.
Các vật liệu khác nhau được xem xét dùng để đóng gói cùng với tôm, bao gồm dăm bào gỗ, mùn cưa và giấy báo. Sử dụng dăm bào gỗ tốt hơn nhiều so với giấy báo và mùn cưa. Ngoài việc “trông lộn xộn”, giấy báo và mùn cưa bị mắc kẹt vào thân tôm và làm cho tôm nghẽn hít thở không khí ẩm, gây chết tôm nhiều hơn.
Việc tiếp nhận tôm tương đối dễ dàng. Tôm vẫn còn sống sau mô phỏng vận chuyển không dùng nước có thể cho thích nghi vào bể nuôi ở nhiệt độ cao 30 °C, không phụ thuộc vào nhiệt độ lúc gây tê.
Kết quả
Sự kết hợp tối ưu cho việc vận chuyển tôm biển không dùng nước có liên quan đến quá trình gây tê khi giảm nhiệt độ nước 10 °C/giờ và bảo quản tôm không có nước ở nhiệt độ 12 – 15 °C bằng dăm bào gỗ ẩm trong 24 giờ. Ở những điều kiện này, tỷ lệ sống của tôm thường trên 95%. Khi bảo quản tôm ở thời gian dài hơn 24 giờ, đã thấy tỉ lệ sống từ trung bình đến kém khi thời gian lên đến 72 giờ.
Quy trình đã thành công trong việc vận chuyển tôm biển không dùng nước cũng được áp dụng cho tôm nước ngọt. Các điều kiện tối ưu cho tôm biển được giữ đúng đối với tôm nước ngọt trừ một ngoại lệ. Tôm nước ngọt không chịu được nhiệt độ dưới 14 °C ở nhiều nghiệm thức lập lại. Mặc dù nhiệt độ bảo quản 15 °C đem đến tỉ lệ sống tốt, gần như tất cả tôm đã chết khi ở nhiệt độ dưới 14 °C.
Nguồn: The Global Aquaculture Advocate (The Global Magazine for Farmed Seafood). Editor, Darryl Jory (dejry2525@aol.com). Shrimp Out of Water/Shipping Live Shrimp in Waterless Conditions. George Flick, Jr., Ph.D., Virginia Tech University Distinguished Professor and David D. Kuhn (above). Volume 18, Issue 2, Page 56, March/April 2015.