Tôm đã nấu chín thì còn truyền bệnh đốm trắng không?

Bệnh đốm trắng (WSD) gây ra bởi virus WSSV là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với ngành nuôi tôm trên toàn thế giới. Bệnh có tỷ lệ chết cao, lên tới 100% chỉ trong vòng vài ngày phát bệnh. Bệnh được báo cáo lần đầu tiên tại Đài Loan năm 1992. Kể từ đó, bệnh bắt đầu xuất hiện ở nhiều khu vực khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Nam Á, Địa Trung Hải, Nam Mỹ và Úc.

Bệnh đốm trắng đã và đang lây lan rộng khắp các khu vực trên thế giới vì quá trình xuất và nhập khẩu tôm giữa các vùng địa lý khác nhau, cho dù chúng còn sống, đông lạnh hay kể cả khi đã được nấu chín. Do nguy cơ lây lan khủng khiếp qua các sản phẩm như vậy mà một số quốc gia như Úc, Ả Rập Saudi và một số quốc gia khác đã thực hiện việc kiểm tra nghiêm ngặt ở các cửa ngõ nhập khẩu tôm. Sàng lọc qua PCR, nếu dương tính thì sản phẩm sẽ bị xử lý và tiêu hủy ngay. Vào năm 1995 đã có nghiên cứu khẳng định tôm đông lạnh có nguy cơ lan truyền mầm bệnh đốm trắng rất cao, nhưng những nghiên cứu này không sử dụng phương pháp PCR và vẫn chưa xác định được tôm nấu chín có chứa trình tự DNA cho sự lây nhiễm bệnh đốm trắng hay không. Nghiên cứu hiện tại này thực hiện nhằm đánh giá sự lây truyền virus đốm trắng (WSSV) ở tôm đã được nấu chín.

Người ta chọn 250 con tôm từ một cơ sở nuôi ở Mỹ, nơi sắp có dịch bệnh diễn ra, với trọng lượng trung bình 10 gram/con. Trọng lượng này cũng là giai đoạn tôm mẫn cảm với virus đốm trắng nhất. Bắt đầu gây bệnh cho tôm với virus đốm trắng bằng việc trộn vào trong thức ăn. Độ mặn trong bể thí nghiệm được giữ ở 25 ppt và nhiệt độ là 25 oC. Sau khi gây bệnh, tỷ lệ chết được đánh giá mỗi giờ. Đến khi tỷ lệ chết đạt 50% thì việc gây bệnh dừng lại. Thực hiện chia nhóm tôm đã thí nghiệm rồi đun sôi trong các khoảng thời gian khác nhau (1, 3, 5, 10 và 30p). Sau đó lại mang một nửa lượng tôm trên đông lạnh (ở -20 oC) trong 14 ngày. Sau khi nấu chín, thu thập các mẫu mô để xét nghiệm mô học và PCR.

Kết quả các mẫu thu thập tôm trong tất cả những khoảng thời gian khác nhau đều dương tính với WSSV. Kết quả tương tự khi tôm nấu chín được đông lạnh trong 2 tuần và sau đó đã được sử dụng làm nguồn chất liệu truyền nhiễm. Biểu hiện mô học điển hình khi tôm bị bệnh đốm trắng xuất hiện khi xét nghiệm, các hạt nhân của tế bào phì đại, thấy rõ ở trung và ngoại bì.

Kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều dương tính với virus đốm trắng.

Sau đó, để xác định tôm được nấu chín có thể lây lan virus đốm trắng hay không, một thử nghiệm khác đã được thực hiện. Trong mỗi bể chưa 90 lít nước thả 10 con tôm dòng sạch bệnh SPF, tiến hành cắt nhỏ các mô dạ dày, mang của tôm thí nghiệm bên trên rồi trộn vào khẩu phần ăn sáng và tối ở mức 10% trọng lượng cơ thể, thực hiện trong 12 ngày. Tỷ lệ chết hằng ngày được ghi chép lại. Tính tỷ lệ sống sót cuối cùng, lấy mẫu trên mỗi bể rồi bảo quản trong ethanol 95% để phân tích PCR và xét nghiệm mô học.

Các chuyên gia đã chứng minh được tôm tiếp xúc với nhiệt độ sôi từ 1 đến 30 phút thì không bị lây nhiễm với nhau. Sự hiện diện của DNA WSSV trong tất cả các mẫu tiếp xúc với các khoảng thời gian sôi khác nhau không có sự khác biệt. Có khả năng DNA WSSV đã bị tác động đáng kể, bị giảm chất lượng và số lượng so với trước khi được nấu chín. Kết quả PCR chứng minh DNA này đã bị biến chất nên mất khả năng lây nhiễm. Trong thí nghiệm sau, tôm SPF được cho ăn mô tôm nhiễm WSSV, một thời gian không tìm thấy tổn thương nào. Kết quả này chỉ ra rằng tôm nấu chín có thể làm giảm sự lan truyền của WSSV từ xuất nhập khẩu tôm nuôi. Và không chỉ với WSSV và có thể bao gồm nhiều mầm bệnh vi khuẩn, virus hay nấm khác.

Tóm lại, tôm nấu ở nhiệt độ sôi ít nhất một phút có thể ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào từ việc tôm di chuyển qua các khu vực địa lý khác nhau thông qua xuất nhập khẩu. Nghiên cứu cũng đưa ra lời khuyên nên sử dụng nested PCR (cải thiện về độ dày và độ nhạy hơn so với PCR truyền thống) để xét nghiệm đối với tôm đã được nấu chín thay vì sử dụng qPCR (đây là phương pháp PCR định lượng acid nucleic) thì kết quả sẽ tối ưu hơn.

Hà Tử

Nguồn: TepBac.com