(vasep.com.vn) Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu đạt tăng trưởng 4,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2018. Quyết tâm này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định miễn thuế chống bán phá giá đối với […]
(vasep.com.vn) Chính phủ Ấn Độ hiện đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu đạt tăng trưởng 4,9% hàng năm trong giai đoạn 2014-2018.
Quyết tâm này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định miễn thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ trong đợt rà soát hành chính vừa qua.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, MPEDA đang hỗ trợ hoạt động nuôi tôm thông qua một dự án nuôi tập trung. Hơn 10.000 hộ nuôi tôm sẽ được sắp xếp vào một khu nuôi tập trung và khu vực này sẽ được áp dụng các “biện pháp thực hành quản lý nuôi tốt”
Các khu vực nuôi tập trung này cũng giúp người nuôi tiếp cận với nguồn vốn, con giống và thức ăn chất lượng cao, và các vật tư đầu vào khác, giúp giảm dịch bệnh và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Các đơn vị XK thủy sản của Ấn Độ hiện đang phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch XK 10 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi so với kim ngạch 4,68 tỷ USD trong năm 2015-2016 trong đó tôm đóng góp 3,09 tỷ USD.
Tôm sú (Penaeus monodon) là một mặt hàng quan trọng trong XK tôm của Ấn Độ. Năm 2015, XK mặt hàng này tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 30,35% về giá trị do suy thoái kinh tế thế giới. Tổng khối lượng XK mặt hàng này đạt 71.400 tấn.
Trong bối cảnh nhu cầu mặt hàng này tăng đặc biệt từ Mỹ và Đông Nam Á, chính phủ Ấn Độ có mục tiêu xây dựng nhiều hơn các trung tâm nhân giống bố mẹ loài tôm này.
Loài tôm XK quan trọng khác nữa của Ấn Độ là tôm sú mẹ (giant tiger prawns). Đây là loài bản địa ở Australia, Indonesia, Nam và Đông Nam Á và Nam Phi và hiện đang được nuôi nhiều ở các vùng ven biển Tây Bengal và Orissa.
Một loài tôm khác được nuôi phổ biến ở Ấn Độ là tôm chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei). Từ 1996, Trung tâm nhân giống tôm chân trắng bố mẹ ở bang Andhra Pradesh đã bán giống bố mẹ cho các trại ương giống trên cả nước. Hiện MPEDA đang mở rộng các khu vực khác để xây dựng các trại ương giống tôm chân trắng.
MPEDA đang nghiên cứu mở rộng nuôi tôm chân trắng ở các khu vực nước mặn tự nhiên trong nước như ở Haryana và Punjab.
Theo SEAI, tôm chân trắng Thái Bình Dương đã được nuôi thành công ở Rohtak, Haryana.
Thái Lan từng chiếm lĩnh thị trường tôm Mỹ (thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới) trong nhiều năm tuy nhiên năm 2009 dịch EMS gây thiệt hại lớn cho ngành tôm nước này và sản lượng sụt giảm tại Thái Lan đã tạo cơ hội cho Ấn Độ tăng trưởng trên thị trường Mỹ.
Kim Thu
(Theo fis)