(Thủy sản Việt Nam) – Những năm gần đây, các nhà sản xuất tôm ở Brazil không còn mặn mà với thị trường ngoại mà quay về phục vụ thị trường nội. Năm 2004, Brazil đã chuyển hướng thành công từ xuất khẩu tôm đông lạnh sang tiêu thụ nội địa, đồng thời tập trung […]
(Thủy sản Việt Nam) – Những năm gần đây, các nhà sản xuất tôm ở Brazil không còn mặn mà với thị trường ngoại mà quay về phục vụ thị trường nội. Năm 2004, Brazil đã chuyển hướng thành công từ xuất khẩu tôm đông lạnh sang tiêu thụ nội địa, đồng thời tập trung vào lĩnh vực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.
Chuyển dịch linh hoạt
2004 là năm đánh dấu bước ngoặt chuyển hướng của thị trường tôm Brazil trước những tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị và môi trường. Trong khoảng thời gian này, thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã trở thành rào cản lớn với tôm Brazil và 5 nước khác. Ngoài ra, đồng real Brazil mất giá cùng với sự xuất hiện của virus gây bệnh hoại tử cơ cũng giáng một đòn nặng nề vào ngành tôm Brazil và chặn đứng đường “xuất ngoại” của tôm. Trước đó, Brazil xuất khẩu gần 78% sản lượng tôm nuôi.
Ngành tôm nuôi Brazil vốn được xây dựng theo tiêu chuẩn riêng, nhằm phục vụ thị trường Mỹ và châu Âu. Từ trại nuôi tới nhà máy chế biến đều hoạt động theo tiêu chuẩn chất lượng do Mỹ và EU yêu cầu. Brazil chú trọng sản xuất tôm đông lạnh nguyên đầu cho thị trường EU và tôm đông lạnh bỏ đầu cho thị trường Mỹ. Nhưng khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá, đồng real Brazil rớt giá, xuất khẩu tôm gặp khó khăn. Lúc đó, thị trường nội địa trở thành thị trường thay thế tiềm năng nhất, bởi không có nhiều rào cản, chi phí vận chuyển ít tốn kém, thanh toán dễ dàng. Để phục vụ thị trường nội địa, các nhà sản xuất cũng đã nhanh chóng chuyển sang mặt hàng tôm cấp đông nhanh nguyên con (IQF) để cung cấp cho các kênh bán lẻ lớn trên cả nước.
Thắng lớn trên sân nhà
Từ năm 2006, thị trường nội địa trở thành thị trường thay thế tiềm năng, tiêu thụ 53% tổng sản lượng tôm nuôi. Những năm gần đây, nền kinh tế Brazil tăng trưởng tốt, tác động tích cực tới sức mua của người tiêu dùng nên giá các mặt hàng tôm nuôi cũng cạnh tranh hơn. Hàng loạt công ty cung cấp tôm bắt đầu mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng nội địa.
Brazil chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng. Các trại nuôi hầu hết tập trung ở các tỉnh đông bắc do có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động sản xuất quanh năm. Tôm tươi chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm các mặt hàng tôm. Các nhà sản xuất nhỏ và trung bình bán tôm tươi cho nhà máy chế biến, kênh thu mua trung gian hoặc nhà phân phối. Từ đó, hàng hóa được vận chuyển tới tiêu thụ tại trung tâm phía nam hoặc đông bắc Brazil. Ngoài ra, tôm tươi còn được chuyển tới nhà máy chế biến tôm xông khói ở phía đông bắc Brazil.
Thị trường tôm đông lạnh khá vững chắc trong những năm gần đây. Nguồn cung dồi dào, sản phẩm chất lượng cao. Theo thống kê của cơ quan quản lý thực phẩm Brazil, các giao dịch tôm đông lạnh diễn ra đều đặn với giá ổn định hơn tôm tươi. Đây cũng là phân khúc thị trường thu hút nhiều kênh phân phối nhất từ người bán lẻ, nhà phân phối lớn, dịch vụ thực phẩm tới nhà máy chế biến. Siêu thị, nhà hàng cũng tham gia phân khúc thị trường này với sản phẩm tôm đóng gói theo quy cách chuẩn, gồm tôm cấp đông nhanh và sản phẩm giá trị gia tăng như tôm nõn chín, tôm tẩm bột…
Tình hình tiêu thụ tôm nuôi tại Brazil (tấn) – Nguồn: Advocate
Các nhà phân phối lớn rải rác trên cả nước, chủ yếu cung cấp tôm đông lạnh đóng gói chuẩn để cung cấp cho nhà hàng, quầy bar, khách sạn hoặc cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Các chuỗi dịch vụ thực phẩm gồm cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh, nhà hàng… chủ yếu đặt hàng theo yêu cầu riêng về chất lượng, trọng lượng và bao bì, ít giá trị gia tăng.
Đối mặt nhiều khó khăn suốt một thập kỷ, ngành công nghiệp nuôi tôm Brazil đang lớn mạnh từng ngày nhờ vào thị trường nội địa. Các phương pháp sản xuất, nuôi tôm đang hướng tới an toàn sinh học, tăng yếu tố kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất sâu trong nội địa – nơi chỉ sử dụng nguồn nước sạch hoặc nước lợ nhạt. Nhiều địa phương đã nuôi đa canh, nuôi ghép rô phi và gia tăng sản phẩm tôm sinh thái. Dự tính, tổng sản lượng tôm Brazil năm 2015 đạt 110.000 tấn. Nếu dựa trên sản lượng trung bình, Brazil hoàn toàn có thể đạt vị trí hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực tôm nuôi.
Năm 2013, tổng sản lượng tôm Brazil 85.000 tấn. Năm 2014, sản lượng tăng lên 100.000 tấn. Diện tích nuôi tôm tăng mạnh ở các khu vực sâu trong nội địa, nơi phải sử dụng tới nguồn nước lợ nhạt kết hợp các biện pháp thực hành quản lý hiệu quả và an toàn sinh học.
Tuấn Anh – Thuysanvietnam – Theo Advocate