Shrimp News: Vài nét về lịch sử và hiện trạng nuôi tôm ở Việt Nam do các nhà nghiên cứu Việt Nam đăng trên tạp chí xuất bản hàng quý của Hội Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (WAS) số tháng 3 năm 2015. Với sự đa dạng loài, các hệ thống và các cơ […]
Shrimp News: Vài nét về lịch sử và hiện trạng nuôi tôm ở Việt Nam do các nhà nghiên cứu Việt Nam đăng trên tạp chí xuất bản hàng quý của Hội Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (WAS) số tháng 3 năm 2015.
Với sự đa dạng loài, các hệ thống và các cơ cấu tổ chức – sản xuất giống và trang trại nuôi tôm biển ở Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Những thử nghiệm đầu tiên trong sản xuất giống tôm biển (Penaeus merguiensis và P. penicillatus) đã được tiến hành vào những năm 1970 ở miền Bắc Việt Nam. Trong khoảng 1984 – 1985, tôm sú (P. monodon) đã được sản xuất thành công tại các tỉnh miền Trung. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất các loài tôm giống bản địa (P. merguiensis và P. indicus) bắt đầu vào năm 1988 và sau đó đã chuyển đổi phần lớn sang tôm sú năm 1997. Tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (P. vannamei) đã được đưa vào Việt Nam năm 2000 và nhanh chóng phát triển nuôi ở các tỉnh miền Trung, kể từ năm 2007, nuôi tôm thẻ chân trắng đã lan rộng vào đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1986, chỉ có 16 cơ sở giống sản xuất được 3,3 triệu tôm giống/postlarvae. Tới năm 2005, có đến 4.280 cơ sở giống đa phần quy mô nhỏ sản xuất ra 28,8 tỷ tôm giống/postlarvae, chủ yếu là tôm sú. Tuy nhiên, kể từ năm 2005, đã có một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp sản xuất tôm giống. Số lượng các cơ sở sản xuất giống giảm dần, nhưng quy mô cơ sở tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương. Đến năm 2012, số lượng các cơ sở sản xuất giống giảm xuống còn 1.715, nhưng sản lượng tăng lên đến 67 tỷ tôm giống/postlarvae, trong đó tôm thẻ chân trắng là 30 tỷ. Năm 2013, sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng lên 47 tỷ con, hơn gấp đôi tôm sú là 21 tỷ. Hiện nay, các tỉnh miền Trung là nơi có tới 40% cơ sở sản xuất giống của cả nước và sản lượng chiếm 70%.
Phương pháp nuôi tôm thâm canh hơn theo thời gian, ban đầu là các hệ thống nuôi quảng canh ở những năm 1970, đến quảng canh cải tiến trong những năm đầu thập niên 1980, rồi đến các hệ thống nuôi bán thâm canh và thâm canh kể từ năm 1985 và mới đây là các hệ thống nuôi siêu thâm canh.
Các hệ thống nuôi độc canh, hệ thống rừng ngập mặn và hệ thống luân canh lúa/tôm đã được phát triển vào đầu những năm 1980. Năm 1991, Việt Nam có 230.000 ha ao nuôi tôm với tổng sản lượng khoảng 56.000 tấn, tăng lên 600.479 ha và 304.257 tấn vào năm 2005, chủ yếu là tôm sú. Tuy nhiên, nuôi tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương đã phát triển nhanh chóng kể từ sau đó, và năm 2013, tổng diện tích nuôi là 652.613 ha đạt sản lượng 475.854 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 9,8% về diện tích nuôi đạt 51,7% sản lượng.
Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 90% diện tích nuôi và 60% sản lượng hàng năm. Mặc dù có xu hướng chuyển sang các hệ thống nuôi thâm canh ngày càng nhiều, nhưng các hệ quảng canh cải tiến, rừng ngập mặn và luân canh tôm/lúa vẫn chiếm phần lớn với hơn 85% diện tích nuôi ở Việt Nam.
Mặc dù nuôi tôm ở Việt Nam vẫn còn đặc trưng chủ yếu là hộ gia đình quy mô nhỏ, nhiều cơ cấu tổ chức khác như hợp tác xã, doanh nghiệp độc lập và các công ty lớn cũng đã được thành lập. Các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế từ Global GAP, Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản và Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất đã và đang được áp dụng và phát huy.
BioAqua.vn
Nguồn: World Aquaculture (the quarterly magazine of the World Aquaculture Society). Editor-in-Chief, John Hargreaves. Innovation in Seed Production and Farming of Marine Shrimp in Vietnam. Tran Ngoc Hai (email tnhai@ctu.edu.vn), Pham Minh Duc, Vo Nam Son, Truong Hoang Minh and Nguyen Thanh Phuong. Volume 46, Number 1, Page 32, March 2015.