Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam và Thái Lan, việc nuôi tôm thâm canh có thể đem lại kết quả kinh tế và môi trường hiệu quả hơn so với các phương pháp quảng canh hoặc thủ công khác. Bằng cách tăng năng […]
Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam và Thái Lan, việc nuôi tôm thâm canh có thể đem lại kết quả kinh tế và môi trường hiệu quả hơn so với các phương pháp quảng canh hoặc thủ công khác.
Bằng cách tăng năng suất tôm trên mỗi hecta đất, người nuôi tôm có thể tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tôm ngày càng tăng mà không gây áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo tiến sĩ Aaron McNevin, giám đốc nuôi trồng thủy sản của Chương trình Thị trường và Lương thực của WWF, các nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là vô giá/miễn phí. Thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên này, người nông dân có thể đồng thời cải thiện hiệu suất kinh tế và môi trường.
Nghiên cứu ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, các hoạt động thâm canh sử dụng đất hiệu quả hơn, với năng suất cao hơn khoảng 8 tấn/ha. Nó cũng giúp giảm chi phí sử dụng đất xuống hơn 90% cho mỗi kg tôm. Mô hình nuôi thâm canh cũng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, với chi phí năng lượng thấp hơn 74% đến 89% so với các mô hình không thâm canh. Tuy nhiên, hình thức nuôi thâm canh cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực như tăng lượng chất thải tập trung trong nước thải và nguy cơ khiến tôm bị căng thẳng (do mật độ nuôi cao) góp phần gây ra dịch bệnh.
Sản lượng tôm nuôi mỗi năm khoảng 3,6 triệu tấn. Nếu có thể nâng hệ số hiệu quả sử dụng thức ăn lên 0,1, sẽ tiết kiệm được 106.000 ha đất, hơn 140 triệu m3 nước, 468.000 tấn cá tự nhiên. Đối với các trại nuôi tôm ở Thái Lan và Việt Nam, mức tiết kiệm có thể lên tới 110 triệu USD.
Mặc dù tất cả tài nguyên thiên nhiên đều đóng vai trò quan trọng, song đất đai sử dụng trong nuôi tôm chủ yếu nằm ở vùng duyên hải có tính đa dạng sinh học cao và việc sử dụng đất hiệu quả hơn có thể tạo nên những tác động môi trường đáng kể và sâu rộng hơn. Duy trì nguyên trạng sinh cảnh sẽ mang lại một vài lợi ích. Thứ nhất, nó làm giảm tác động của biến đổi khí hậu – hệ quả của việc suy giảm rừng, rừng ngập mặn và các hệ sinh thái giàu cacbon khác. Thứ hai, bảo vệ vùng duyên hải tạo môi trường sinh sống và nuôi dưỡng các loài cá tự nhiên và các sinh vật thủy sinh khác. Thứ ba, duy trì môi trường sống nguyên vẹn – đặc biệt là các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn – giúp bảo vệ các cộng đồng ở trong đất liền khỏi thiên tai như bão, lũ.
Đương nhiên thâm canh không phải là lời giải thần thánh cho mọi vấn đề. Việc chuyển đổi sang mô hình nuôi thâm canh cần phải được kết hợp với hạn chế phát triển theo chiều rộng. Bằng việc duy trì mô hình này, môi trường sống sẽ được bảo vệ, đồng thời người nuôi tôm cũng gặt hái được lợi nhuận lớn hơn.
Hương Trà
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn