Vi khuẩn gây bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau, từ tăng trưởng chậm đến chết hàng loạt. Vi khuẩn Vibrio spp. là vi khuẩn phổ biến trong môi trường nước nuôi trồng thủy sản (trong nước ngọt, nước biển, và các cửa sông). Vi khuẩn Vibrio spp. là những vi khuẩn gây […]
Vi khuẩn gây bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau, từ tăng trưởng chậm đến chết hàng loạt. Vi khuẩn Vibrio spp. là vi khuẩn phổ biến trong môi trường nước nuôi trồng thủy sản (trong nước ngọt, nước biển, và các cửa sông). Vi khuẩn Vibrio spp. là những vi khuẩn gây bệnh quan trọng nhất trong nuôi tôm và chúng có thể gây chết đến 100%. Việc sử dụng thuốc kháng sinh, chất hóa học để kiểm soát mầm bệnh đã dẫn đến các vi sinh vật kháng thuốc. Gần đây, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản ngày càng được quan tâm. Chế phẩm sinh học được sử dung như nguồn thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản. Các chế phẩm này có vai trò cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, kích thích tăng trưởng, cung cấp dinh dưỡng và tăng sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh. Các chế phẩm sinh học có thể ngăn chặm mầm bệnh bám vào ruột bằng cách sản xuất chất kháng khuẩn. Lactobacillus là loài vi khuẩn lactic đã được sử dụng như chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Nhiều nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Lactobacillus có lợi trong việc hấp thu dinh dưỡng và chống lại các vi khuẩn gây bệnh.
Trong nghiên cứu này, vi khuẩn L. acidophilus được phân lập từ nhà máy làm pho mát bằng cách pha loãng mẫu và tán đều trên môi trường MRS. Các dòng vi khuẩn Vibrio như V. paraheamolyticus, V. cholerae, V. harveyi và V. alginolyticus được phân lập từ ấu trùng tôm sú. Vi khuẩn L. acidophilus được nuôi tăng sinh trong môi trường MRS broth và được lắc liên tục tại nhiệt độ 30oC. Thức ăn công nghiệp được sử dụng cho tôm ăn như nguồn thức ăn cơ bản để bổ sung vi khuẩn L. acidophilus. Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức: nghiệm thức 1 bổ sung L. acidophilus với mật số 10^6 CFU/g thức ăn, nghiệm thức 2 bổ sung L. acidophilus với mật số 10^7 CFU/g thức ăn. Nghiệm thức 3 không bổ sung L. acidophilus. Mỗi nghiệm thức 3 lần lặp lại, mật độ 25 tôm/bể 50L, trọng lượng tôm ban đầu 0.56 ± 0.02 g/con, thời gian thí nghiệm 30 ngày.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt động kháng khuẩn của L. acidophilus được đánh giá là có khả năng chống lại 4 vi khuẩn gây bệnh. Vòng kháng khuẩn từ 10-16mm. Vòng kháng khuẩn của L. acidophilus lên V. alginolyticus cao nhất là 18mm, đối với V. cholerae nhỏ nhất (8-12mm). Trọng lượng tôm khi kết thúc thí nghiệm ở nghiệm thức 2 cao nhất 1,43 g/con, ở nghiệm thức đối chứng thấp nhất 1,02 g/con. Tỷ lệ tôm chết khi cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio của tôm thấp nhất ở nghiệm thức 1 và 2 (20%), trong khi đó nghiệm thức đối chứng tỷ lệ chết lên đến 86,67%. Mật số vi khuẩn tổng và Lactobacillus trong ruột tôm cao hơn ở nghiệm thức có bổ sung L. acidophilus. Mật số vi khuẩn tổng trong ruột tôm đã khác biệt ngay từ tuần thứ 2 của thí nghiệm và cho đến kết thúc thí nghiệm. Tuy nhiên đối với mật số vi khuẩn L. acidophilus thì sự hiện diện của L. acidophilus trong ruột tôm rất hạn chế tại tuần bắt đầu, nhưng mật số vi khuẩn L. acidophilus bắt đầu gia tăng đáng kể (p<0,05) đối với các nghiệm thức cho ăn thức ăn có bổ sung L. acidophilus. Mật số vi khuẩn tổng trong môi trường nước ở nghiệm thức đối chứng thấp nhất và dao động từ 1,5 ± 0,2 × 10^3 đến 3,6 ± 0,2 x10^8 CFU/mL, kế đó là nghiệm thức 2 (1,6 × 10^3 đến 6.1 ± 0,63 × 10^8 CFU/mL) và cao nhất ở nghiệm thức 1 (2 ± 0,02 × 10^3đến 7,2 ± 0.2 × 10^8 CFU/mL). Có sự khác biệt đáng kể giữa tổng mật số vi khuẩn L. acidophilus ở nghiệm thức 1 và 2 từ 15 đến 30 ngày thí nghiệm. Sau khi gây cảm nhiễm với vi khuẩn V. alginolyticus, tổng mật số vi khuẩn trong nước cao nhất ở nghiệm thức đối chứng (49 ± 0,4 × 10^11 CFU/mL) kế đó là nghiệm thức 1 (40 ± 0,3 × 10^11 CFU/mL), thấp nhất ở nghiệm thức 2 (12 ± 0,02 × 10^11 CFU/mL). Tổng mật số vi khuẩn vi khuẩn Lactobacillus cao hơn trong nghiệm thức bổ sung L. acidophilus (nghiệm thức 2 là 11 ± 0,23 × 10^2 CFU/mL), thấp nhất ở nghiệm thức đối chứng. Đối với mật số vi khuẩn Vibrio thì ngược lại, cao nhất ở nghiệm thức đối chứng 45 ± 0,55 × 10^11 CFU/mL, trong khi ở nghiệm thức bổ sung L. acidophilus mật số vi khuẩn thấp hơn (nghiệm thức 2 là 9 ± 0,23 ×10^4 CFU/mL). Trung bình tổng mật số vi khuẩn L. acidophilus sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio đều giảm ở các nghiệm thức, nhưng tổng lượng vi khuẩn Vibrio trong ruột của tôm trong nghiệm thức cho ăn thức ăn bổ sung L. acidophilus giảm đáng kể hơn so với nghiệm thức đối chứng.
Kết quả thí nghiệm cho thấy vi khuẩn L. acidophilus rất có tiềm năng trong việc kiểm soát vi khuẩn Vibrio gây bệnh trên tôm sú.
Phó Văn Nghị, www.aquanetviet.org
Nguồn: Sivakumar N., Muthuraman S. and Gopal S., 2012. Probiotic effect of Lactobacillus acidophilus against vibriois in junvenile shrimp (Penaeus monodon). African Journal of Biotechnology Vol. 11(91), pp. 15811-15818, 13 November, 2012.